Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 25 dân tộc sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 66,2% dân số. Vì vậy, việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số luôn được tỉnh Lào Cai xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nhiều năm qua, các thiết bị điện tử cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội đã góp phần giúp bà con vùng dân tộc thiểu số học cách làm giàu. Người dân đã tiếp cận được công nghệ thông tin, biết bán hàng trên mạng.
Chị Lò Mùi Khé (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát) là một điển hình trong việc sử dụng thiết bị công nghệ phục vụ phát triển kinh tế.
Gia đình chị Khé chăn nuôi gà đen thả đồi, lợn cắp nách, lợn mán… mang lại thu nhập hơn 150 triệu đồng mỗi năm. Chị Khé đã tự tìm hiểu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi an toàn gia súc, gia cầm trên internet.
Nhờ có mạng 4G và điện thoại thông minh, chị Khé còn học cách bán hàng qua mạng xã hội, từ đó nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm của gia đình với mức giá tốt hơn.
Chị La Thị Sủi (xã Lao Chải, huyện Mường Khương) cũng tự tay chăm sóc vườn quýt của gia đình. Các thông tin về kỹ thuật canh tác đều được chị học hỏi trên mạng.
Ngoài bán sản phẩm nông nghiệp trực tiếp cho thương lái, chị Sủi còn bán hàng trên mạng. Qua việc bán hàng, chia sẻ hình ảnh vườn quýt của gia đình trên mạng xã hội, chị Sủi còn thu hút nhiều du khách tới vườn tham quan, trải nghiệm.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, chị Sủi quyết định học tập các mô hình của địa phương khác để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện Dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Khi tham gia dự án, các hội viên hội phụ nữ được tham gia các tổ sinh kế, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo sinh kế việc làm cho chị em phụ nữ.
Qua các thiết bị công nghệ, các sản phẩm nông nghiệp được đăng ký nguồn gốc, sản phẩm OCOP, hướng dẫn phụ nữ đưa các sản phẩm này lên các sàn thương mại điện tử.
Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền tập huấn cho phụ nữ tiếp cận chuyển đổi số, phát triển quảng bá sản phẩm nông nghiệp, du lịch qua thiết bị công nghệ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có 11 mô hình sinh kế do phụ nữ tham gia quản lý được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chọn hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường.
Các sản phẩm được hỗ trợ như: Cá tầm, cá hồi Sapa, trứng gà thảo dược huyện Bảo Thắng, sản phẩm dệt thổ cẩm (xã Tả Van, thị xã Sa Pa), lạc đỏ bản địa, bánh gai, bánh rợm huyện Bảo Yên, tổ liên kết làm cốm huyện Văn Bàn, quýt sen huyện Mường Khương…
Dự án đã tạo nên mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho phụ nữ áp dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động giảm nghèo tại chỗ, đem lại thu nhập cho các chị em phụ nữ.
Bằng nhiều giải pháp hỗ trợ với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, các tổ chức xã hội trong tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm nhiều. Năm 2021 là 41.195 hộ, chiếm tỷ lệ 40,03% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đến năm 2022 còn 32.907 hộ, chiếm tỷ lệ 31,8%. Tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào là 8,23%, giảm vượt 2,23% và đạt 137,2% so với kế hoạch giao giảm trên 6%.