Cuối tháng 10 vừa qua, tại thành phố Vinh (Nghệ An) đã diễn ra chương trình “Liên kết, đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch Hà Nội - Nghệ An 2023”.
Chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu về cơ hội hợp tác đầu tư, tiềm năng thế mạnh, hình ảnh, làng nghề, điểm đến du lịch, đặc sản, sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội, tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành liên quan.
Báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An cho thấy, sau 4 năm triển khai, đến nay chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh Nghệ An dồi dào về số lượng, nâng cao chất lượng, giá trị.
Phát triển sản phẩm OCOP góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Mục tiêu cụ thể gồm, đến hết năm 2025 phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 10% sản phẩm đạt hạng 4 sao; có ít nhất 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm. Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 35% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể OCOP là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 10% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 5% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là phụ nữ, ít nhất 15% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại; phấn đấu cấp tỉnh xây dựng 02 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Chủ thể thực hiện Đề án là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể, bao gồm: Các đối tượng trên và các Hội/Hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.
Sản phẩm được phân theo 6 nhóm: Nhóm thực phẩm gồm nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác; Nhóm đồ uống; Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ; Nhóm sinh vật cảnh và Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
UBND tỉnh yêu cầu phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa. Phát huy sáng tạo và sức mạnh cộng đồng trong sản xuất và hình thành các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng. Phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa.