Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Lùi thời gian 1 năm, triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học

Theo tờ trình, thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức triển khai xây dựng chương trình, SGK mới. Bộ đã ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông; thông qua chương trình tổng thể làm căn cứ xây dựng dự thảo các chương trình môn học. Đồng thời, Bộ đang chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở giáo dục phổ thông để đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình, SGK mới.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học) chưa bảo đảm lộ trình đặt ra theo yêu cầu của Quốc hội.

Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Theo đó, chương trình, SGK mới sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp Tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022, thay vì áp dụng cuốn chiếu đối với cả 3 cấp Tiểu học, THCS và THPT ngay từ năm học 2018-2019 như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.

Như vậy, so với lộ trình nêu tại Nghị quyết 88 của Quốc hội, việc bắt đầu áp dụng chương trình, SGK mới ở cấp Tiểu học chậm 1 năm, ở cấp THCS chậm 2 năm và ở cấp THPT chậm 3 năm, nhưng sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện chương trình, SGK mới.

Với phương án này sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm SGK mới; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình hiện hành; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có của các cơ sở giáo dục phổ thông; bảo đảm sự tham gia và cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình nhiều SGK.

Cần sự quyết liệt từ Chính phủ

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến, TP Đà Nẵng, cho rằng đây là việc hệ trọng ảnh hưởng lớn đến cả thế hệ, nên việc chuẩn bị cẩn trọng để đảm bảo chất lượng là cần thiết. "Theo phương án cũ công việc sẽ dồn vào 3 năm đầu, đi từ khó đến dễ nên khó đảm bảo thành công và ít có cơ hội để điều chỉnh, khắc phục. Phương án mới sẽ khắc phục được bất cập này, trong khi tổng thời gian hoàn thành vẫn là 5 năm" - bà Yến phân tích.

Không đồng tình với ý kiến cho rằng việc điều chỉnh thời gian thực hiện nghị quyết là tốn kém, đại biểu Cao Thị Giang, tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, bài học về cải cách giáo dục còn đó, niềm tin của người dân về cải cách giáo dục đang vơi dần, nếu nóng vội thì hậu quả khôn lường. Do đó, để đảm bảo chuẩn bị kỹ tất cả các khâu mà khi triển khai chính thức đến giáo viên đảm bảo chất lượng thì việc lùi thời gian áp dụng chương trình SGK giáo dục phổ thông là thực sự cần thiết.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, tỉnh Bắc Kạn, đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo triển khai thực hiện những nhiệm vụ được nêu trong báo cáo. Những nhiệm vụ này cần cụ thể về thời gian cũng như tiến độ hoàn thành, tính toán đủ kinh phí thực hiện dự án ở cả Trung ương và địa phương.

{keywords}
ĐB Nguyễn Hữu Cầu

Đại biểu Ngô Thị Minh, tỉnh Quảng Ninh, thì cho rằng phần công việc còn rất nhiều chỉ có thể giải quyết hiệu quả khi ngành giáo dục nhận được sự chỉ đạo quyết liệt hơn của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cấp ủy chính quyền các địa phương, vì công việc Bộ GD-ĐT không thể triển khai riêng được.

Trong khi đó, Đại biểu Triệu Thế Hùng, tỉnh Lâm Đồng, cho rằng có thể lùi lại thời gian 1 năm hay 2 năm nhưng phải thể hiện được thực sự quyết tâm thay đổi cơ cấu về đầu tư cho giáo dục, ưu tiên hàng đầu cho giáo dục miền núi, dân tộc thiểu số và vùng sâu vùng xa…

Đổi mới có kế thừa và đảm bảo tính khả thi

Giải đáp một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đây là nhiệm vụ cốt lõi mà Bộ GD-ĐT chủ trì thực hiện. Bộ đánh giá đây là một cơ hội nhưng cũng là một thách thức lớn trong ngành.

Ông Nhạ giải thích: "Ở đây không phải đưa ra một chương trình rất mới, mà là đổi mới ngay từ việc cấu trúc lại chương trình hiện hành theo hướng không phải chia cắt từng môn, cụm các vấn đề logic với nhau và từ đấy nhấn mạnh việc đổi mới phương pháp".

Theo ông Nhạ, "Khi càng tìm hiểu, chúng tôi thấy trong bối cảnh phát triển rất nhanh thì chương trình làm sao tiếp cận phải rất căn bản, nhưng phải có độ mở. Thiết kế ban đầu phải rất chuẩn, khả thi thì sau đó các bước sau sẽ đỡ hơn".

“Không phải chúng ta đổi mới là mới tinh, mà đổi mới có sự kế thừa rất lớn. Trong quá trình chuyển đổi, chúng tôi có hỗ trợ theo chương trình hỗ trợ giáo viên, các cán bộ cốt cán. Về chương trình, cho đến nay chúng tôi đã xong được chương trình tổng thể và triển khai các chương trình môn học” – ông Nhạ giải thích thêm.

Ông Nhạ cho biết, tới đây, Bộ sẽ cho phản biện dự thảo chương trình. Đặc biệt sẽ mời các giáo viên cốt cán ở các địa phương, các trường tham gia, từ thành phố cho đến vùng hải đảo, để khi chương trình đưa ra có thể đi vào cuộc sống.

“Chúng tôi rất muốn nhiều người cùng tham gia viết SGK, nhưng phải có khung và có sự thẩm định để đảm bảo sự thống nhất và căn bản, chứ không phải tùy tiện ai cũng viết được. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, do vậy phải tính rất kỹ đến vấn đề hướng dẫn, để vừa đảm bảo được dân chủ, thu hút nhiều người tham gia nhưng cũng phải có định hướng, tránh gây đến tình trạng "trăm hoa đua nở" nhưng có những cái không tốt cho giáo dục” – ông Nhạ bày tỏ.

Ông Nhạ cũng khẳng định giáo viên là một vấn đề rất lớn. “Cho đến nay, theo đánh giá của chúng tôi, rất kỹ chứ không phải chỉ có quan sát, phần lớn giáo viên tâm huyết và cũng mong đổi mới chứ không né tránh. Chúng tôi đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng đạt chuẩn và chủ yếu đào tạo online, để cho các thầy cô tự học, tự nâng cao và có hướng dẫn. Sau đó mới tập trung, khác với cách bồi dưỡng truyền thống” – ông Nhạ cho biết.

“Chúng tôi cũng tính toán cụ thể nhu cầu giáo viên từng môn học và yêu cầu về chất lượng theo các chuẩn. Sắp tới sẽ hướng dẫn các địa phương để Sở GD-ĐT địa phương tham mưu cho UBND cùng với Bộ có kế hoạch bồi dưỡng dần”.

Theo ông Nhạ, vì làm theo cuốn chiếu nên chương trình mới kế thừa rất nhiều, 2 năm nữa mới có lớp 1, và thực tế chương trình lớp 1 không thay đổi nhiều và giáo viên cũng không thiếu nhiều, do vậy không có vấn đề về giáo viên. Vì vậy việc đào tạo giáo viên mới dành cho cấp 3. Bên cạnh đó, có một số môn cần phải đi sâu và hướng nghiệp.

Đồng thời, trong kế hoạch công tác Quốc hội, Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao cho chuẩn bị sửa đổi một số điều trong Luật giáo dục và Luật Giáo dục đại học để năm sau báo cáo Quốc hội.

Về kinh phí, Bộ trưởng giải trình đối với chương trình cho đến nay mới tiêu được 48,2 tỷ đồng, tương đương hơn 2 triệu USD. Đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới sử dụng 2,3 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng là hơn 50 tỷ đồng. “Còn lại mới đang trong quá trình kế hoạch và cam kết với Quốc hội từng năm một, chúng tôi sẽ công khai chi phí này để giải tỏa một số quan điểm chi rất nhiều tiền” – ông Nhạ khẳng định.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, đa số ý kiến đại biểu quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc lùi thời gian triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 là 1 năm, theo đó sẽ thực hiện từ năm 2019-2020, đồng thời các đại biểu Quốc hội cũng đều nhất trí cần có Nghị quyết về vấn đề này.

Để đảm bảo sự thận trọng và tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, chỉ đạo, hoàn thiện Dự thảo nghị quyết và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi xin ý kiến biểu quyết thông qua.

Ngọc Anh