Sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo UBND TP HCM, lãnh đạo các bộ, ngành về đẩy nhanh công tác sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP.
Theo Danh mục DNNN cổ phần hoá theo từng năm (tại Công văn 991/CV-ĐMDN của Thủ tướng), năm 2018 cả nước có 64 DNNN phải cổ phần hoá thì riêng TP HCM phải cổ phần hoá 39 DNNN. Tuy nhiên tới nay, TP chưa triển khai cổ phần hoá được DNNN nào, ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hoá của cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết TP đã triển khai xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới DNNN trực thuộc trong thời gian dài, trước khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp |
Ban cán sự Đảng UBND TP HCM đã nhiều lần trình Thường trực Thành uỷ các phương án sắp xếp, đổi mới DNNN tới năm 2020 nhưng tới nay, phương án này chưa chính thức ban hành, dẫn đến việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN và không thực hiện được lộ trình cổ phần hoá 39 doanh nghiệp trong năm 2018 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết việc chậm trễ trong cổ phần hoá là do quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề mới, cần được nghiên cứu như vai trò của DNNN trong thực hiện các mục tiêu phát triển (4 ngành công nghiệp trọng yếu: Hoá dược-cao su, Cơ khí chế tạo, Chế biến tinh nông sản, Điện tử-Công nghệ thông tin và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu: Thương mại, Tài chính-ngân hàng-bảo hiểm, Du lịch, TT&TT, KHCN, Bất động sản, Giáo dục và Y tế), bảo đảm an sinh xã hội của TP, bảo đảm lợi ích không làm thất thoát tài sản Nhà nước, xử lý các khoản đầu tư liên doanh nước ngoài góp vốn bằng quyền sử dụng đất, xác định giá trị tài sản ở vị trí trung tâm TP.
Do đó, TP HCM đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh tiến độ cổ phần hoá và lộ trình thoái vốn giai đoạn 2018-2020 cũng như sau năm 2020. Cụ thể, thay vì phải cổ phần hoá 39 DNNN trong năm 2018 thì TP sẽ cổ phần hoá 32 DNNN trong năm 2019 và cổ phần hoá 7 DNNN vào năm 2020. Sau năm 2020 sẽ thoái vốn tại các DN theo đúng tỉ lệ quy định tại Quyết định số 58 và Công văn 991 của Thủ tướng.
“Mặc dù số thu về cổ phần hoá các DNNN của TP đều đưa về ngân sách của địa phương theo Nghị quyết của Quốc hội nhưng chúng tôi cũng rất coi trọng quá trình này, nhằm phát huy vai trò của DNNN, duy trì đóng góp cho GRDP của TP ở mức 15%”, Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng việc triển khai cổ phần hoá cần tuân thủ các quy định của pháp luật, tiến hành thận trọng, hiệu quả nhưng cần tích cực và khẩn trương. Thủ tướng có thể quyết định giãn tiến độ cổ phần hoá DNNN trực thuộc Thành phố, còn tỉ lệ vốn nắm giữ tại DN khi cổ phần cần thực hiện theo quy định chung, trường hợp đặc thù thì TP trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá TP HCM đã triển khai rất sớm các quy định liên quan tới sắp xếp, cổ phần hoá DNNN, thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá của 40/40 DN có 100% vốn Nhà nước trực thuộc, ban hành quyết định cổ phần hoá và lựa chọn thời điểm xác định giá trị cho 37/40 DN, chọn tư vấn xác định giá trị DN và lập phương án cổ phần hoá cho 37/40 DN...
Tuy nhiên, do phát sinh những vấn đề mới cả về quy định của pháp luật và nhất là trong tổ chức thực hiện nên kết quả đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hoá, thoái vốn của TP nhìn chung còn rất chậm so với cả nước.
Phó Thủ tướng xác định cần thực hiện nhất quán chủ trương cơ cấu lại DNNN theo Nghị quyết Đại hội Đảng 12, Nghị quyết Trung ương 5 khoá 12 là giảm mạnh số lượng DNNN, chỉ tập trung hoạt động trong các lĩnh vực; lĩnh vực quốc phòng- an ninh và những lĩnh vực tư nhân không làm; đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không cần có cổ phần chi phối, kể cả các doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả.
Đồng tình với kiến nghị của TP cần rà soát điều chỉnh kế hoạch, tiến độ cổ phần hoá của địa phương giai đoạn 2018-2020 để bảo đảm tính khả thi, nhưng Phó Thủ tướng yêu cầu UBND, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển của TPcần chỉ đạo quyết liệt hơn, tập trung cổ phần hoá một số DNNN đủ điều kiện và đã rõ về chủ trương để rút ra bài học trong xác định giá trị DN, sắp xếp lại đất đai để triển khai các DNNN khác trong giai đoạn 2018-2020.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP sớm trình Thành uỷ phê duyệt để trình Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp cổ phần hoá DNNN của TPtới 2020 để tổ chức thực hiện theo tinh thần khẩn trương, theo quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Cần làm tốt việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hoá. Đồng thời, UBND TPtheo thẩm quyền chỉ đạo, xây dựng và phê duyệt phương án cơ cấu lại các tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc TP.
Trong tháng 11/2018, UBND TP rà soát, cơ cấu lại các đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng; rà soát các đơn vị đủ tiêu chuẩn theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng để chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP, sở, ngành và các quận, huyện.
UBND TP khẩn trương xây dựng đề án cơ cấu lại Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM (đơn vị 100% vốn Nhà nước theo Quyết định số 58 của Thủ tướng); phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án mô hình cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu của riêng TPtheo chỉ đạo của Thủ tướng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đồng tình với các kiến nghị của TP về hoàn thiện pháp luật liên quan tới cổ phần hoá, thoái vốn trong thời gian tới, nhất là ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm các Bộ: Tài chính, TN&MT...
Phó Thủ tướng chưa yên tâm với ‘sức khoẻ’ DNNN
Phó Thủ tướng lo lắng khi 85% DNNN làm ăn có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn và trên doanh thu còn thấp.
Sợ sai phạm cổ phần hóa, đùn việc lên tận Chính phủ
Phó Thủ tướng chỉ rõ, tâm lý thận trọng, e ngại một số vụ việc cổ phần hóa trước đây bị thanh kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy lên tận Chính phủ.
Nếu có 'sân trước, sân sau' trong DNNN, siêu Ủy ban sẽ giải quyết
Thứ trưởng KH&ĐT khẳng định: Nếu có nguy cơ thất thoát, lãng phí hay tình trạng “sân trước, sân sau” trong DNNN, siêu Ủy ban sẽ giải quyết.
Hợp nhất nhiều cơ quan Đảng và cơ quan chuyên môn trong DNNN
Hàng loạt cơ quan Đảng và cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng trong DNNN sẽ được hợp nhất.
Quân đội làm kinh tế là gánh việc ngay cả DNNN không làm
Đừng chỉ vì mỗi chuyện sân golf trong sân bay mà hiểu sai..., nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.
Theo VGP