- Một thế hệ nghệ sĩ trẻ xuất hiện, phô diễn hết tài năng trong một buổi hòa nhạc vào đúng ngày Quốc khánh. Họ đã tỏa sáng rực rỡ, mang lại niềm tin tươi mới để sẵn sàng tiếp bước cha anh.
TIN BÀI KHÁC
Những cảm xúc đẹp từ "Điều còn mãi" 2012
Hòa nhạc Điều Còn Mãi: Sẵn sàng cho thời khắc linh thiêng!
Trực tiếp chương trình Hòa nhạc "Điều còn mãi"
Đã thành thông lệ, buổi hòa nhạc Điều còn mãi được bắt đầu đúng 14h00 ngày mùng 2/9, tại khán phòng Nhà hát lớn, nằm trên quảng trường Cách mạng tháng Tám. Qua mỗi năm, khán giả yêu mến chương trình ngày một đông, ngày một hiểu biết, cũng như tha thiết và gắn bó thêm với tinh thần Tổ quốc và âm nhạc.
![]() |
Nhà hát lớn Hà Nội chiều 2/9/2012 |
Không cần phải chờ một dấu hiệu nhắc nhở, ngay khi dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và nhạc trưởng Lê Phi Phi chơi những nốt nhạc đầu tiên của bản Quốc ca, toàn bộ khán giả đã đứng dậy, nghiêm trang làm lễ chào cờ. Có mặt tại phòng hòa nhạc là những đại diện ưu tú của đất nước: nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, giáo sư Ngô Bảo Châu, dịch giả Dương Tường, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên... và nhiều lãnh đạo các cơ quan ban ngành.
![]() |
Ngồi ở hàng ghế đầu, từ phải sang: Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Tiến, Tổng GĐ Đài tiếng nói Việt Nam, Tổng biên tập báo VietNamNet Bùi Sỹ Hoa, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Phó Tổng biên tập báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn, ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội truyền thông số VN. PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. |
Huỳnh Sơn Thục Anh gây ấn tượng mạnh
Giao hưởng "Vàng son" vinh dự mở màn cho các tác phẩm khí nhạc bằng khí thế hào hùng xen lẫn những nét giai điệu chèo cổ đầy êm ả. Những người đã theo dõi phần tập luyện của tác phẩm này sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt khi nó được hoàn thiện trên sân khấu. Dàn nhạc chơi êm hơn, không có bất kì một sự thiếu liền mạch hay lơi nhịp. Toàn bộ chương 3 là một thể thống nhất, mang đến cả sự mạnh mẽ lẫn những dư vị ngọt ngào đầy chất dân ca.
"Tiếng sáo quê hương" của nhạc sĩ Văn Chung, một tác phẩm sáng tác từ cách đây gần một thập kỉ đã cất lên làm say đắm lòng người. Quê hương của nhạc sĩ Văn Chung khi đó thật bình dị, dường như không mang một chút xao động nào.
![]() |
Nghệ sĩ flute Lê Thư Hương trong tác phẩm "Tiếng sáo quê hương" (Văn Chung) |
Tiếng sáo nhẹ và mỏng cứ thế bay lên, vượt qua dàn nhạc, khiến người nghe cứ suy tư mãi về những tháng ngày của những cánh đồng lúa rợp trời và tiếng sáo chăn trâu hồn nhiên, trong trẻo. Không phải là một tác phẩm quá xuất sắc về thủ pháp nghệ thuật và độ phức tạp, cầu kì, nhưng "Tiếng sáo quê hương" đã là một tác phẩm hoàn chỉnh với đầy đủ các sắc độ biểu cảm, và rất Việt Nam.
Dân ca lại một lần nữa thể hiện tính ưu việt với giai điệu trữ tình. Sau một "Bèo dạt mây trôi" gây ấn tượng đặc biệt với hàng nghìn khán giả khi dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker biểu diễn, "Lý hoài Nam" lại một lần nữa trở thành nguồn cảm hứng và chất liệu chính cho một tác phẩm khí nhạc gây xao xuyến lòng người.
Các tác phẩm khí nhạc của Điều còn mãi 2012 khá ưu ái cho các nhạc cụ solo, như cây sáo flute, cây kèn saxophone, bộ gõ, violin hay piano độc tấu trong "Vàng son" (Việt Anh), "Thăng Long" (Đỗ Kiên Cường) hay "Ráng chiều" (Hoàng Cương). Nhưng nổi bật hơn cả là một tác phẩm giàu cá tính, mạnh mẽ và khúc triết - Scherzo của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.
Scherzo đã chọn cho mình được một soloist tài năng, đặc biệt như chính bản thân tác phẩm. Huỳnh Sơn Thục Anh từng giành được học bổng toàn phần của Nhạc viện Singapore và tốt nghiệp cử nhân danh dự. Cô chỉ mới trình diễn tại Việt Nam duy nhất một lần trước hòa nhạc Điều còn mãi - một dự án cá nhân mang tên "Đêm chuyện trò" (năm 2011) tại TP.HCM.
![]() |
Huỳnh Sơn Thục Anh - ngôi sao của phần khí nhạc với tác phẩm Scherzo của Nguyễn Văn Nam |
Ngày 2/9 tại Nhà hát lớn Hà Nội, cô gái nhỏ nhắn, duyên dáng trong tà áo dài đã thể hiện một sức mạnh đáng nể với cây đàn khiến người nghe kinh ngạc. Cô nắm chắc từng nốt nhạc, từng bước xây dựng nên cấu tứ tác phẩm với kĩ thuật điêu luyện và khả năng kiểm soát chặt chẽ đến gần như tuyệt đối. Người nghe có cảm giác cô rất "phiêu", chơi như bản năng, nhưng không hề đơn giản như vậy, đó là thứ bản năng đã được tôi rèn bằng sự tỉnh táo của trí tuệ.
Chỉ hơn 7 phút trước phím dương cầm, Thục Anh đã trở thành một ngôi sao mới đầy ấn tượng trong biểu diễn âm nhạc cổ điển của Việt Nam.
Phạm Thị Duyên Huyền - tài năng opera tỏa sáng
Trong phần 2 của chương trình, các tác phẩm thanh nhạc luôn được người nghe ngóng chờ, bởi cơ hội được chứng kiến và thưởng thức các ca sĩ nổi tiếng nhất trình diễn cùng dàn nhạc quả là rất hiếm hoi. Lần lượt từng người trong bộ 3: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh khoe giọng hát cũng như dấu ấn cá nhân của mình trong các tác phẩm vừa lạ lẫm vừa quen thuộc - "Quê hương anh bộ đội" (Xuân Oanh), "Giọt nắng bên thềm" (Thanh Tùng), "Hương xưa" (Cung Tiến).
![]() |
Mỹ Linh trong "Quê hương anh bộ đội" |
Khán giả sẽ bất ngờ khi thấy một Thanh Lam e dè, bẽn lẽn trước dàn nhạc giao hưởng, nhưng không thể giấu nổi lửa và khát vọng tự do trong cách hát của mình, đặc biệt khi thể hiện những nốt cao; thấy một Mỹ Linh nắn nót, trân trọng và chỉn chu từng câu hát, nhả chữ sang trọng như thể cô chưa từng thuộc về sân khấu nhạc nhẹ; thấy một Hồng Nhung như "Bống" thuở đôi mươi ngập ngừng "khai phá" mảnh đất nhạc xưa.
![]() |
Hồng Nhung hát "Hương xưa" |
![]() |
Và Thanh Lam trong "Giọt nắng bên thềm" |
Nếu ai đó biết đến Nguyên Thảo từ "ngày xửa ngày xưa" bởi album "Suối và cỏ" hay "Rơi lệ ru người", sẽ cực kì ngạc nhiên khi chứng kiến cô gái mảnh mai này như thể sinh ra để hát cùng dàn nhạc. Nguyên Thảo hát cùng dàn nhạc tốt hơn rất nhiều so với bất kì bản thu âm hay trình diễn live nào với ban nhạc. Cô có thể phô diễn toàn bộ vẻ đẹp của giọng hát khi được hát ở vị trí này. Cô nhả chữ rất nắt nót mà thanh thoát, đảm bảo trường độ, cao độ, giữ lại nguyên vẹn tính chất trữ tình của tác phẩm nhưng cũng đủ khiến từng câu chữ bay lên, hòa cùng với giai điệu của dàn dây.
![]() |
Nguyên Thảo |