- Là khán giả trung thành với Điều còn mãi từ 2009 đến nay, chưa lần nào vắng mặt, mỗi năm là một mới lạ, một hấp dẫn đối với tôi và có lẽ với tất cả khán giả yêu âm nhạc.
Những năm trước, Điều còn mãi đều để lại dấu ấn sâu đậm và chương trình thường bao gồm các tác phẩm thuộc dòng nhạc giao hưởng thính phòng, nhưng năm nay có 7 tác phẩm khí nhạc và 10 ca khúc của các nhạc sĩ tên tuổi ngoài ra còn có các sáng tác mới.
Chương trình nổi trội với hai điểm mới: Một là chọn tình yêu làm chủ đề cho chương trình, với tên gọi “Trên đôi cánh tình yêu”, ngợi ca tình yêu cuộc sống, ngợi ca tình yêu giữa người và người, ngợi ca tình yêu với Tổ quốc thân thương. Hai là phần hòa âm phối khí đều là những nhạc sĩ có có bề dầy kinh nghiệm, có cá tính, có khả năng làm mới tác phẩm phù hợp với mỹ cảm âm nhạc hiện đại, giữ được hồn cốt nhưng làm cho tác phẩm hấp dẫn hơn…
Mở màn như thường lệ với lễ chào cờ, giai điệu hào hùng của bản Tiến quân ca được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chuyển soạn cho Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam (Dàn GHQGVN) vang lên khiến lòng người rạo rực.
Tiếp đến là hợp xướng Việt Nam muôn năm, của nhạc sĩ Hoàng Vân do Đăng Dương thể hiện cùng dàn nhạc. Tác phẩm này của cố nhạc sĩ Hoàng Vân thật hào sảng, ngời sáng với sự trình diễn của ca sĩ Đăng Dương cùng dàn hợp xướng và Dàn GHQGVN. Giọng ngâm của NSƯT Hồng Liên cũng góp phần làm cho tác phẩm thêm đặc biệt.
Khác hẳn với 2011, Đăng Dương năm nay đã hát với niềm xúc động dạt dào và kỹ thuật vượt trội. Bản tổng phổ của Hoàng Vân viết cho tác phẩm này đã bị thất lạc, nhưng được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc với những lần nghe trước đây viết lại thật tài tình.
Ca sĩ Đăng Dương với tác phẩm "Việt Nam muôn năm". |
Tình ca Hoàng Việt được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân viết bản phối cho dàn nhạc giao hưởng, khiến cho người nghe vô cùng xúc động. Bản concerto (viết cho đàn tranh và Dàn nhạc) có tựa đề Quê tôi giải phóng của nhạc sĩ Quang Hải là tác phẩm được công diễn nhiều nơi trên thế giới (Leningrad; Sofia…), lần này một lần nữa Nguyễn Thị Hải Phượng, nghệ sĩ độc tầu đàn tranh đã dành được sự tán thưởng nồng nhiệt của cả khán phòng. Sự kết hợp giữa một nhạc cụ dân tộc độc đáo và Dàn GHQGVN đã mang đến hiệu quả âm nhạc tuyệt vời.
Khán phòng Nhà hát Lớn Điều còn mãi 2018 không chỉ có khán giả yêu âm nhạc, các nhạc sĩ, các quan khách cao cấp của nhà nước mà còn nhiều khán giả đến từ các đại sứ quán… Dàn nhạc giao hưởng VN tiếp tục gây ngạc nhiên với sự tinh tế, độc đáo qua bài Hoa thơm bướm lượn dân ca quan họ được làm mới do nhạc sĩ người Nga Ivan Gostev chuyển soạn.
Người nghe nín thở hồi hộp với Du kích sông Thao của NS Đỗ Nhuận, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, tác phẩm được hòa âm phối khí bởi con trai của ông - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, viết cho 4 đàn cello độc tấu cùng dàn nhạc. Tứ tấu cello còn rất trẻ và tài năng đó là Nguyễn Hồng Ánh - Trịnh Hoàng My - Lê Phan Như Quỳnh và Hoàng Thế Mạnh đã đem đến sự mới lạ đáng kể cho chương trình.
Khi khán giả còn chưa hết xúc động bởi thanh âm của cello thì khán giả đã được thưởng thức bản Overture Mùa xuân thế kỷ của nhạc sĩ Hoàng Cương, một nhà giáo tên tuổi, sáng tác năm 2000, viết cho dàn dây và bộ gõ. Âm thanh của trống và kèn hòa quyện với tiếng réo rắt của các cây vĩ khiến lòng người háo hức, cảm giác thời khắc mới của lịch sử đang đến với chúng ta… Một tác phẩm vô cùng độc đáo bởi sự tài tình trong việc sử dụng những âm sắc của dân tộc.
Đức Tuấn với Thu quyến rũ. |
Phần thanh nhạc bắt đầu bằng Thu quyến rũ. Với giọng ca đầy tính kỹ thuật nhưng giữ nguyên phong cách cũ, Đức Tuấn đã thể hiện xuất sắc, giàu cảm xúc ca khúc lãng mạn được sáng tác gần 70 năm trước của Đoàn Chuẩn...
Với Ai về sông Tương của Văn Giảng giọng bariton của Đào Mác đã thực sự gây sửng sốt. Ca khúc giúp cho Đào Mác khoe được chất giọng quý, sâu lắng và trầm ấm, xử lý rất sáng tạo: có chỗ “kéo” 2 phách thành 4 phách cộng với tính cách hát nói đã làm tăng cảm xúc thụ hưởng cho câu hát.
Ca sĩ Đào Mác sinh 1989, tuy trẻ đã có nhiều kinh nghiệm hát nhạc kịch với Dàn giao hưởng ở TP.HCM. Anh hiện là giảng viên ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội phân viện 2 TP.HCM. Sự xuất hiện của Đào Mác lần này cho thấy sự liều lĩnh của VietNamNet khi mạnh dạn đưa người trẻ vào hát cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN và rõ ràng ca sĩ đã không phụ công tin tưởng.
Quê em miền Trung du của Nguyễn Đức Toàn được trình diễn bởi dàn hợp xướng và Dàn nhạc giao hưởng mang đến một không khí hào hùng, mới lạ được nối tiếp bởi Hát về cây lúa hôm nay với bản phối của Trọng Đài, do Khánh Linh thể hiện. Bài thứ 2 trong chương trình của nhạc sĩ Hoàng Vân, được viết trong chuyến đi công tác tại Cần Thơ nhưng mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ, rất gần với tinh thần dân tộc, khắc họa hình ảnh thân thuộc của đồng quê Việt Nam, đặt niềm tin vào ''đường lớn đã mở… ngày mai bắt đầu từ hôm nay''.
Chương trình còn là những tác phẩm của các vùng miền của Tổ quốc: Tháng 3 Tây Nguyên của nhạc sĩ Văn Thắng (phổ thơ Thân Như Thơ) đã đem đến hình ảnh Tây Nguyên thật thú vị với bản phối của Trọng Đài và cách xử lý rất điệu nghệ của Mạnh Dũng. Chất Tây Nguyên rõ nét qua giọng hát và phong cách trình diễn của anh đã chinh phục hoàn toàn khán giả.
Ca sĩ Khánh Ngọc với "Giấc mơ mùa lá". |
Giấc mơ mùa lá - một tác phẩm mới của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng đã được thể hiện xuất sắc qua giọng hát nhiều nội lực của Khánh Ngọc.
Ca sĩ Tân Nhàn trở lại sân khấu Điều còn mãi với ca khúc Trở về, được nhạc sĩ Tuấn Phương viết năm 2010. Những tâm tư, nỗi khắc khoải trở về với mẹ, với tuổi thơ, với tổ quốc yêu thương và bình yên của nhạc sĩ Tuấn Phương (lời thơ Lê Tự Minh) đã được Tân Nhàn thể hiện rất thành công, gợi ra một niềm nhớ miền trung sâu thẳm...
Với kỹ thuật điêu luyện, giàu nội lực và cảm xúc dâng trào, Diva Mỹ Linh khiến người nghe vô cùng xúc động với ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thanh Hà Nội mùa thu. Chị xử lý những nốt cao một cách hoàn hảo, phong cách biểu diễn sang trọng, tự tin.
Ca khúc Những thành phố bên bờ biển cả của nhạc sĩ Phạm Đình Sáu, phổ thơ Huy Cận là một trong những bài được người nghe chú ý. Ca khúc rất khó thể hiện này ca sĩ Đăng Dương và dàn hợp xướng đã biểu diễn rất thành công.
Hợp xướng Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương được lựa chọn để khép lại trọn vẹn hòa nhạc Điều còn mãi 2018, ca sĩ Phúc Tiệp được lựa chọn để cùng Dàn hợp xướng Nhà hát nhạc vũ kịch thể hiện ca khúc nhiều ý nghĩa này.
Hai tác phẩm cuối Những thành phố bên bờ biển cả và Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ đều do nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi hòa âm. Anh nói với tôi: "Vì yêu Điều còn mãi nên tôi dồn hết tâm sức và tình cảm với 16 đêm đắm chìm vào tác phẩm để ra bản phối hiệu quả nhất tôi ưng ý".
Phúc Tiệp với "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ". |
Điều còn mãi 2018 có lẽ là chương trình khó nhất trong 10 năm qua, một chương trình giàu ý nghĩa nhưng cũng là thách thức đối với BTC, với các nhạc sĩ hòa âm phối khí, với nghệ sĩ thực hiện và nhất là với nhạc trưởng Lê Phi Phi. Một mình chỉ huy toàn bộ chương trình gồm 17 tiết mục.
Hơn 2 giờ đồng hồ, mỗi tác phẩm là một đòi hỏi hoàn hảo, là dấu ấn tình yêu khiến người xem thổn thức, Lê Phi Phi thật xuất sắc, cây đũa của anh đã dẫn dắt dàn nhạc và các nghệ sĩ biểu diễn đạt tới đỉnh điểm viên mãn của chương trình.
Điều còn mãi 2018 đã đem đến cho công chúng một bữa tiệc âm nhạc hoàn hảo. Hy vọng chương trình sẽ được tiếp nối mãi mãi và ngày một hấp dẫn hơn…
Nhà văn Trần Thị Trường
Điều còn mãi 2018 rõ nét hơn với chủ đề 'Trên đôi cánh tình yêu'
"Năm nay chủ đề rõ nét hơn và được công bố rõ ràng, các tác phẩm cũng xoay quanh chủ đề này, đó là Trên đôi cánh tình yêu", TBT Báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn cho hay.
Các nghệ sĩ đã sẵn sàng cho hòa nhạc Điều còn mãi 2018
Sát giờ diễn chính thức, các nghệ sĩ vẫn cháy hết mình trong buổi tổng duyệt hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi sáng 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nghệ sĩ miền Nam hào hứng tập luyện trong lần đầu tham gia 'Điều còn mãi'
Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác cùng các nghệ sĩ đang tăng tốc tập luyện để đem đến một chương trình thăng hoa, tuyệt vời nhất cho khán giả.