Đó là hình ảnh được bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) chụp lại khi theo dõi qua camera giám sát. Cô gái trong ảnh là điều dưỡng Châu Thị Yến Trinh. 

Chị Trinh kể lại, bà cụ vừa chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh 2 ngày nhưng chạy thận đã 10 năm ở cơ sở khác. Bà được mổ tạo cầu nối động - tĩnh mạch ở 2 tay, 2 đùi nhiều lần, mạch máu xơ vữa nhiều. Do đó, khi chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bác sĩ phải thực hiện thủ thuật đặt đường hầm phía bên cổ trái để lọc máu.

Người bệnh 77 tuổi nắm tay điều dưỡng để bớt sợ. Chị Trinh ngồi gục vì mỏi sau 12 giờ làm việc.

Thông thường thủ thuật này kéo dài từ 1,5 đến 2 giờ, bệnh nhân được gây tê, tiêm thuốc giảm đau. Tuy nhiên, với bà cụ, việc thực hiện khá khó khăn, toàn bộ quá trình siêu âm, tiến hành, xử lý các phát sinh kéo dài đến 5 giờ. 

“Bệnh nhân được tiêm thuốc giảm đau, gây tê nhưng vẫn sợ hãi và đòi về. Bà nói không muốn chạy thận nữa, để bà chết đi mà người con cứ bắt phải làm. Chúng tôi nghe rất thương, dỗ dành rằng con cái thương bà mới muốn bà chạy thận. Nói một hồi bà cũng đồng ý”, chị Trinh kể. 

Tuy nhiên, vì tâm lý sợ hãi, bà liên tục than đau, nắm chặt tay điều dưỡng suốt thời gian làm thủ thuật. “Hôm đó tôi làm việc gần 12 giờ liên tục nên khá mỏi chân. Tôi định đi ngồi một chút nhưng bà bảo cho bà nắm tay để bớt sợ. Vậy nên tôi ngồi xuống tại chỗ luôn, chuyện chỉ đơn giản vậy thôi”, điều dưỡng Trinh cười. 

Chăm sóc bệnh nhân chạy thận đã 4 năm, chị Trinh cho biết, không thể tránh khỏi chuyện bị to tiếng, quát mắng. Có thể, người bệnh buồn việc nhà, đau đớn, mệt mỏi nên cáu gắt với điều dưỡng. 

“Ngày mai họ lại xin lỗi thôi, mình không trách gì cả mà thương bệnh nhân nhiều hơn. Ở đây có những người chạy thận đến lúc chết, có người không ai chăm sóc hoặc không có tiền… Chúng tôi không giúp được gì hơn, chỉ biết lắng nghe rồi tâm sự với người bệnh”, chị Trinh nói. 

Bác sĩ Từ Kim Thanh cho hay, việc chạy thận là suốt đời nên bệnh nhân gắn bó với y bác sĩ như gia đình. Những lần mổ tay, đâm kim, đặt tĩnh mạch đùi… trong nhiều năm khiến họ sợ hãi và ám ảnh. “Sự đau đớn, mệt mỏi của người chạy thận chỉ có điều dưỡng thấu hiểu nhất”, bác sĩ Thanh kể. 

Bệnh nhân vừa bị cắt chân phải, chạy thận 3 lần/tuần.

Theo điều dưỡng Mai Thị Hà, người đã gắn bó 10 năm ở Khoa Thận Nội tiết, công việc tại khoa không theo giờ hành chính mà chia ca kíp. Nếu ca sau thiếu người hoặc nhiều việc hơn, chị có thể ở lại hỗ trợ đồng nghiệp. Có những thời điểm, việc nhiều đến mức chị Hà không kịp đón con, bé phải ở trường đến tối chờ mẹ. 

“Không thể nói công việc không vất vả, chúng tôi làm việc xuyên lễ tết vì bệnh nhân chạy thận không thể ngưng được. Đôi lúc mệt mỏi muốn dừng lại nhưng nghĩ đến bệnh nhân và 10 năm gắn bó, tôi lại cố gắng thêm”, chị Hà cười.

Ở đây hiện có hơn 200 bệnh nhân chạy thận chu kỳ. Ai cũng có màu da xám xịt và sự mệt mỏi. Trên giường là một người bệnh 68 tuổi đang lọc máu 3 lần/tuần, mỗi lần 3 giờ. Chân phải của bà vừa bị cắt bỏ, tay phải sưng phù, đi lại phải có người dìu dắt hoặc xe lăn.

Máy báo hiệu hoàn thành quy trình lọc máu, nữ điều dưỡng cẩn thận tháo các đường ống đang nối vào tay người bệnh.

“Bệnh này làm người ta biến dạng, khổ lắm. Không biết cái chân còn lại bao giờ phải cắt. Cũng may các cô ở đây thương người, nhẹ nhàng với chúng tôi”, bà vừa cười vừa thở dài. 

Phòng chạy thận những ngày cuối năm

Dù nắng mưa, dịch bệnh, lễ tết, lịch chạy thận của người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối không hề thay đổi. Nếu điều đó xảy ra, có thể vì họ đã hết tiền trang trải.