Giữ chức Vụ trưởng Vụ châu Á- châu Đại dương Bộ Ngoại giao Pháp từ 1969-1975, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trung gian giữa các bên đàm phán Hiệp định Paris, nhà ngoại giao Pháp Henri Froment-Meurice nhìn lại những gì thực sự xảy ra từ hơn 40 năm trước.
Ông Henri Froment-Meurice: ...Năm 1969, tôi nhậm chức Vụ trưởng Vụ châu Á - Bộ Ngoại giao Pháp. Khi đó thì các cuộc hội đàm đã được tiến hành ở Paris. Với nước Pháp, vai trò thể hiện ở Hiệp định Paris vừa đơn giản, vừa phức tạp. Đơn giản vì với tư cách là chủ nhà khi đó, chúng tôi có đủ các điều kiện thuận lợi. Nước Pháp có quan hệ với tất cả các bên, với hai miền Bắc và Nam Việt Nam, dù chưa phải là quan hệ cấp đại sứ nhưng chúng tôi có phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội và Lãnh sự quán ở Sài Gòn. Về mặt kỹ thuật, nước Pháp đơn giản là tạo được những điều kiện thuận lợi nhất cho các bên đàm phán.
Nhưng phức tạp, vì nước Pháp cũng có thể coi là một nhân tố trong đàm phán. Chúng tôi đóng vai trung gian trong các cuộc thương lượng, đưa ý kiến bên này đến bên kia, và đôi khi đưa ra cả các cam kết và ý tưởng.
Trong các điều khoản của Hiệp định Paris được ký kết, có không ít đến từ các đề xuất của Pháp. Trước đàm phán, miền Bắc Việt Nam cương quyết với điều kiện Mỹ rút quân, Washington kiên quyết phải có ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris đã thỏa mãn được cả hai điều đó, tức vừa có ngừng bắn, vừa có một giải pháp chính trị sau khi Mỹ rút quân. Với nước Pháp, đó là điều rất đáng hài lòng.
Với cá nhân tôi, Hiệp định Paris mang lại cả sự hài lòng lẫn hoài nghi. Hài lòng vì chiến tranh kết thúc. Cuộc chiến Việt Nam gây ra quá nhiều mệt mỏi, tạo ra sự căng thẳng trong quan hệ quốc tế và để lại những thảm họa nhân đạo. Điều tốt nhất, đó là kết thúc chiến tranh. Nhưng bên cạnh đó là sự hoài nghi là Hiệp định này sẽ không được tôn trọng. Cảm giác đó giống như sau Hiệp định Geneve năm 1954.
Tôi nghĩ rằng với nhiều người Việt Nam, Hiệp định Paris được coi là một thắng lợi bởi đã đuổi được người Mỹ...
Anh nói điều mà chính tôi lo ngại lúc nãy. Hà Nội muốn đàm phán và đã ký một Hiệp định. Hiệp định này là một giải pháp chính trị, có việc thành lập một chính quyền chung ở miền Nam, có giải pháp về lực lượng thứ 3, có việc tiến tới bầu cử một cách hòa bình và dân chủ. Nhưng thực tế nó đã chỉ được coi như là một Hiệp định đình chiến. Sự hoài nghi của tôi chính vì lẽ đó: một khi người Mỹ rời đi, sẽ có rất ít khả năng hai miền Bắc, Nam Việt Nam không tiếp tục cuộc chiến.
Chúng ta tạm bỏ qua tranh luận này. Tôi muốn hỏi là với tư cách là người trong cuộc, theo ông tại sao cuộc đàm phán ở Paris kéo dài đến 5 năm trong khi ban đầu người ta nghĩ nó có thể trong vài tháng, hoặc cùng lắm là 1-2 năm?
Các bên đàm phán có những yêu cầu kiên quyết không nhượng bộ. Phía miền Bắc Việt Nam quyết không chịu đàm phán với chính quyền Thiệu và đòi người Mỹ phải rút nhưng với người Mỹ thì không có chuyện bỏ rơi Thiệu. Đó là điều căn bản. Ngoài ra còn có những vấn đề khác, tuy ít quan trọng hơn. Đó là phải tìm kiếm một giải pháp chính trị kiểu gì ở miền Nam Việt Nam. Trước hay sau Thiệu, có hay không có Thiệu...
Những người ở miền Nam Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng bị gọi đơn giản là "con rối của người Mỹ". |
Bên cạnh đó, vẫn còn một cuộc chiến tranh đang diễn ra mà khi đó không ai dám nói trước rằng người Mỹ sẽ thua vì rõ ràng tương quan lực lượng lúc đó không nghiêng về phía miền Bắc Việt Nam. Có các trận đánh trên các chiến trường, nhưng người Mỹ có sự vượt trội về không quân, về các máy bay ném bom rất hiệu quả đến tận những ngày cuối cùng của chiến tranh. Ngoài ra, có một bộ phận dân chúng ở miền Nam Việt Nam hoàn toàn chưa sẵn sàng để chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, vì họ là những người "quốc gia".
Ở đây tôi muốn đặt chủ đề này trong ngoặc kép. Ngày đó, tôi thực sự rất sốc khi một vài đồng hương của tôi trong chính phủ và Quai d'Orsay (BNG Pháp), coi Hồ Chí Minh là một người dân tộc chủ nghĩa tốt. Đúng, đó là một người dân tộc chủ nghĩa nhưng cũng là một người cộng sản.
Không thể quên hoàn cảnh quốc tế thời đó. Chúng ta đã có một cuộc chiến Triều Tiên, giữa những người cộng sản và những người dân tộc, kết thúc là sự chia cắt hai miền. Những người ở miền Nam Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng bị gọi đơn giản là "con rối của người Mỹ".
Đúng là chính quyền miền Nam VN được Mỹ hậu thuẫn nhưng cũng giống như miền Bắc được Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ.
Ngày đó, với người Mỹ và cả chúng tôi, cuộc chiến ở Đông Dương là một mặt trận để ngăn chủ nghĩa cộng sản lan ra toàn châu Á. Không cần phải phủ nhận điều này bởi thời kỳ đó là Chiến tranh lạnh, giữa phương Tây và một bên do Liên Xô cầm đầu. Cần phải đặt tất cả vào bối cảnh.
Ông có viết trong cuốn "Nhật ký châu Á" của mình rằng ông tin chiến thuật của người Mỹ trong đàm phán Paris giống như những gì Henry Kissinger viết trên tờ "Foreign Affairs" tháng 1/1969. Tôi xin trích lại: đàm phán, ít nhiều trực tiếp, hoặc qua các "tín hiệu", với Hà Nội về việc đồng rút các lực lượng, đàm phán đủ lâu để dần dần tạo được đối thoại giữa Sài Gòn và Mặt trận về cấu trúc chính trị tương lai của miền Nam (Việt Nam). Thời gian là yếu tố then chốt để Sài Gòn tự củng cố thực lực". Từ chi tiết này, thì việc kéo dài đàm phán quá lâu cũng là ý của người Mỹ?
Không phải chỉ có người Mỹ khiến đàm phán kéo dài, vì đàm phán có 4 bên chứ đâu riêng người Mỹ. Nhưng tôi nhận thấy, có những giai đoạn cứng rắn giữa các bên khiến đàm phán không tiến triển.
Trong giai đoạn cuối của đàm phán, có một sự tắc nghẽn, đặc biệt là từ tháng 10/1972 đến tháng 01/1973. Tại sao Mỹ lại ném bom với cường độ ác liệt như thế? Ở đây tôi nghĩ có sự cứng rắn quá mức từ các phía. Lúc đó tôi đã không hiểu được những gì Hà Nội đang suy tính còn Sài Gòn thì rõ ràng là không hài lòng về việc tương lai của mình chỉ được đàm phán thông qua Lê Đức Thọ và Kissinger. Nói chung là đó là sự tắc nghẽn từ nhiều phía.
Theo ông biết, có một sức ép nào không, như từ Trung Quốc chẳng hạn?
Có thể, nhưng tôi hoàn toàn không biết chắc về điều này.
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh tư liệu. |
Trở lại với các giai đoạn đàm phán. Ban đầu người Mỹ cương quyết không chấp nhận nói chuyện với Mặt trận. Là người làm nhiệm vụ con thoi giữa các bên, ông nhận thấy sự thay đổi của phía Mỹ bắt đầu từ thời điểm nào?
Thú thực là tôi không nhớ chính xác ngày tháng, nhưng theo sự hiểu biết của tôi, mọi thay đổi đều bắt đầu từ các cuộc hội đàm giữa Lê Đức Thọ và Kissinger.
Theo như tôi biết, Kissinger chưa bao giờ gặp bà Nguyễn Thị Bình và cấp phó của bà cũng không có tiếp xúc trực tiếp nào với các nhà ngoại giao Mỹ. Ban đầu, có sự từ chối giữa các bên, Mỹ không chấp nhận đối thoại với Mặt trận, Mặt trận không chấp nhận nói chuyện với Sài Gòn, nhưng cơ bản là thái độ từ phía chính quyền ông Thiệu.
Ông Thiệu không muốn có một bản Hiệp định được ký kết chỉ từ những đàm phán của Hà Nội và Washington nên phản đối và gây sức ép. Việc Mỹ chấp nhận Mặt trận và Hà Nội chấp nhận ông Thiệu vào bàn đàm phán là một sự nhượng bộ giữa các bên.
Điểm quan trọng nhất trong Hiệp định Paris là việc rút quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam. Điều này cũng nằm trong tầm nhìn và ý muốn của người Pháp, từ sau Tuyên bố Phnompenh của Tướng De Gaulle rằng Mỹ cần có một lộ trình rút quân và Đông Dương cần một giải pháp chính trị. Có sự thúc đẩy hay thuyết phục nào từ phía người Pháp với phía Mỹ trong chuyện này không?
Tuyên bố của tướng De Gaulle ở Phnompenh nói rằng Mỹ không thể chỉ dựa vào duy nhất giải pháp quân sự mà còn cần cả giải pháp chính trị. Đó là quan điểm cốt lõi của nước Pháp.
Các diễn biến ở Việt Nam cho thấy là rất ít có khả năng chỉ có một giải pháp quân sự đơn thuần từ bên này hay bên kia. Phía Mỹ cũng nhận ra rằng họ không thể trông cậy vào duy nhất giải pháp quân sự. Họ không thể đưa đến 300 ngàn quân vào Việt Nam để đẩy lùi quân đội miền Bắc ra khỏi miền Nam. Người Mỹ không thể hy vọng vào một chiến thắng hoàn toàn về quân sự. Tình thế đó là một ngõ cụt quân sự và Mỹ phải chấp nhận đàm phán.
Các ông Lê Đức Thọ, Xuân Thủy chắc cũng nói với người Mỹ điều chúng tôi cũng nói, tức dần dần phải tìm một giải pháp chính trị. Nhưng giải pháp chính trị kiểu gì? Cơ chế và thiết chế chính trị kiểu gì? Lịch trình ra sao? Một chính phủ hay hai chính phủ? Hai thành phần hay ba thành phần?...
Tôi tin rằng nước Mỹ khi đó có sự thay đổi lớn trong nội bộ. Có những phái diều hâu, phái ít diều hâu hơn. Nixon, tôi nghĩ, là nằm ở giữa. Cũng nên nhớ rằng năm đó (11/1969) là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và Nixon cần phải tái cử. Vì thế, người Mỹ cần phải có một kết quả hợp lý, một cái gì đó có thể coi là chiến thắng. Khi Hiệp định Paris được ký kết thì họ đã thắng ở điểm này, tức Thiệu vẫn ở đó trong khi Hà Nội thì muốn Thiệu phải ra đi trước đó.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, McNamara từng nhận định rằng "số cơ hội bỏ lỡ là không thể tin được". Qua quan sát của ông trong từng đó năm, liệu có tồn tại thực sự những thời điểm mà đàm phán có thể kết thúc sớm hơn, thay vì phải sau những chiến dịch quân sự khốc liệt?
Thật khó trả lời câu hỏi này, vì tôi, thậm chí là cả Tổng thống George Pompidou cũng không biết được là Kissinger và Lê Đức Thọ bàn nhau những gì trong các cuộc gặp bí mật. Những gì tôi biết rõ nhất đó là có rất nhiều lần đàm phán thất bại, các đoàn đến rồi đi và chúng tôi làm trung gian nối lại.
Ở đây, tôi muốn nói đến một sự thay đổi từ chính quan điểm của nước Pháp. Sau khi tướng De Gaulle ra đi và George Pompidou lên làm Tổng thống, nước Pháp có một sự thay đổi rõ rệt trong quan điểm liên quan đến Hiệp định Paris, đó là ít can dự hơn. Tổng thống Pompidou không muốn chọc giận người Mỹ nữa. Chuyện Nixon muốn kết thúc chiến tranh, muốn rút quân khỏi Việt Nam, tốt thôi, đó là chuyện của họ, không nên gây phiền phức. Thái độ của nước Pháp đã là như thế cho đến khi kết thúc đàm phán ở Paris.
Ông có thể nói rõ hơn không?
Dưới thời Pompidou, quan hệ Pháp-Mỹ được cải thiện, vì chúng tôi hiểu rằng người Mỹ hoàn toàn không thích Tuyên bố Phnompenh của De Gaulle. Cá nhân tôi cũng bị sốc với tuyên bố đó của tướng De Gaulle. Sao lại có chuyện tướng De Gaulle đòi người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam và ấn định một thời hạn rút quân.
Đặt giả thuyết là Tổng thống Mỹ đến Tunis hay Rabat trong thời kỳ chiến tranh của Pháp ở Algeria và tuyên bố là "người Pháp cần phải biến khỏi đây". Có sốc không? Hoàn toàn sốc.
Dĩ nhiên, tuyên bố đó của tướng De Gaulle sẽ được các phong trào dân tộc và cộng sản hoan nghênh, nhưng vấn đề là nó lại được coi như "Kinh thánh" khiến các chính phủ kế tiếp tướng De Gaulle rất khó mà ít can dự vào chuyện ở Đông Dương. Tất nhiên, điều chính xác đó là tuyên bố đó đã nói được rằng không thể chỉ có một giải pháp quân sự mà cần phải có giải pháp chính trị.
Thời gian đã qua rất lâu. Ông đã tiếp xúc với nhiều nhân vật lịch sử của cả miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam. Cuối cùng, ấn tượng cá nhân ông giữ lại về họ là gì?
Tôi thường xuyên xuống Choisy le Roi (nơi ở của phái đoàn VNDCCH), đã nhiều lần tiếp xúc với các ông Xuân Thủy, Mai Văn Bộ, Võ Văn Sung, Hà Văn Lâu. Tôi cũng một vài lần gặp ông Lê Đức Thọ. Tôi cũng tiếp xúc với các nhân vật lớn của miền Nam, từ người trong chính quyền Sài Gòn cho đến những trí thức thuộc lực lượng thứ 3 mà nước Pháp rất ủng hộ. Tất cả họ đều là những người thông minh và đáng mến.
Những nhân vật ở miền Bắc là những người rất chủ động, rất cách mạng. Điều đó cũng không lạ gì vì trong quá khứ, người Pháp luôn nhìn nhận miền Bắc là mảnh đất của chính trị, của những trí thức. Ở đó, nước Pháp từng đặt trường Viễn Đông bác cổ và nhiều trường Đại học, trung học lớn. Những người miền Nam cởi mở hơn, kinh tế và của cải ở đến từ miền Nam nhiều hơn. Sau tất cả, tôi luôn có sự nể trọng rất lớn dành cho người Việt Nam.
+ Xin cảm ơn ông!
Bài phỏng vấn trực tiếp thể hiện phong cách và phân tích của nhà ngoại giao Pháp Henri Froment-Meurice về cuộc đàm phán Paris và các bên đàm phán. Những phân tích này đặt trong bối cảnh quốc tế của đàm phán Hiệp định Paris hơn 40 năm trước. Ông Henri Froment-Meurice sinh năm 1923, là nhà ngoại giao kỳ cựu của Pháp. Ông từng làm Đại sứ Pháp tại Nhật năm 1952, Vụ trưởng Vụ châu Á-châu Đại dương - Bộ Ngoại giao Pháp từ 1969-1975; Đại sứ Pháp tại Nga từ 1979-1982; Đại sứ Pháp tại Đức từ 1982-1983. Ông là người trực tiếp làm trung gian đàm phán giữa các phái đoàn VNDCCH, VNCH, Mặt trận và Mỹ trong đàm phán Hiệp định Paris, trực tiếp làm việc dưới các đời Thủ tướng và Tổng thống Pháp (De Gaulle, George Pompidou, Valery Giscard d'Estaing). |
Bùi Nguyễn (từ Paris)