Tại Việt Nam, hôn nhân cận huyết là hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức, truyền thống văn hóa. Luật Hôn nhân và gia đình quy định rõ, cấm các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ: “Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đều cấm hôn nhân cận huyết vì lý do sinh học. Hậu quả của hôn nhân cận huyết là suy giảm chất lượng nòi giống và dẫn tới rất nhiều bệnh lý di truyền”. 

{keywords}
25% trẻ sinh ra từ hôn nhân cận huyết mang bệnh di truyền gene lặn của bố mẹ. (Ảnh minh họa) 

Theo TS Trung, ngay ở giai đoạn bào thai, thai nhi từ quan hệ cận huyết có thể đã phát triển bất thường. Hậu quả là sinh non, phù nhau thai hoặc thai chết lưu… Khi sinh ra, trẻ có thể kém phát triển chiều cao, trí tuệ… “Điều đáng lo nhất là những em bé này sẽ có bệnh di truyền do bất thường đột biến gene”.

Ông lý giải, mỗi người đều có những gene lặn về bệnh di truyền, anh em ruột có thể cũng mang theo gene lặn đó, nhưng không biểu hiện kiểu hình. Nghiêm trọng nhất có thể kể đến bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Nếu 2 người cùng mang gene lặn bất thường của bệnh, kết hôn và sinh con, đứa trẻ sẽ có xác suất 25% mắc bệnh mức độ nặng, phải điều trị suốt đời.

“Bố mẹ hoàn toàn không biểu hiện bệnh, nhưng vì con mang theo 2 gene lặn của cả hai người nên bệnh biểu hiện rất nặng nề”, TS Trung nói. 

Nhiều trẻ em mắc bệnh này thường có đời sống rất ngắn ngủi hoặc phải thường xuyên truyền máu để điều trị. Điều đáng ngại là có trẻ phát hiện bệnh ngay sau khi sinh, nhưng cũng có trẻ biểu hiện khi 1-2 tuổi hoặc chỉ đến khi xét nghiệm gene mới biết.

“Không chỉ tan máu bẩm sinh, những đứa trẻ này có thể mắc nhiều bệnh tật như như mù màu, bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD… Con người mang rất nhiều bệnh do gene lặn đột biến mà chúng ta chưa thể khảo sát hết được”, TS Trung cho hay.

Tại Việt Nam, chương trình sàng lọc trước sinh hoặc khám tiền hôn nhân giúp phát hiện sớm các bất thường và nguy cơ có thể xảy ra với trẻ nhỏ. Tình trạng hôn nhân cận huyết xảy ra chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số.

“Cấm kết hôn cận huyết là để bảo tồn gene vì chất lượng nòi giống, thế hệ sau phải tốt hơn thế hệ trước. Rủi ro từ hôn nhân cận huyết là con cái mắc bệnh di truyền từ cha mẹ có những gene lặn xấu”, TS Nguyễn Hữu Trung nhận định.

Linh Giao

Cơ sở điều tra tội loạn luân trong vụ Tịnh thất Bồng Lai

Cơ sở điều tra tội loạn luân trong vụ Tịnh thất Bồng Lai

CQĐT sẽ làm rõ tuổi của người có cùng dòng máu trực hệ quan hệ tình dục với nhau như thế nào? Việc quan hệ tình dục có tự nguyện hay không để xác định tình tiết loạn luân là định tội danh hay chỉ là tình tiết định khung.