Còn nhiều khó khăn thử thách ở phía trước, nhưng giờ đây, dân tộc Việt hiếu hòa đã có những điều kiện cần thiết để làm chủ vận mệnh của mình và xây dựng một tương lai hòa bình và cường thịnh.

Đi về phương Nam tìm đất sống, tâm niệm đó đã ăn sâu vào máu thịt của người dân Lạc Việt trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ hai ngàn năm trước Công nguyên, trước sức ép của các bộ tộc ở miền Bắc Trung Quốc, các tộc người Việt cổ (Bách Việt) bị mất dần lãnh thổ bao gồm một vùng rộng lớn phía nam sông Trường Giang và dãy Ngũ Lĩnh. Bộ tộc Việt nào không thể đi về được phương Nam đều bị đồng hóa vào người Hoa Hạ. Chỉ có Âu Việt và Lạc Việt còn tồn tại nhờ thiên cư xa hơn về phía nam và định cưở vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã.

Nhờ vậy, nền độc lập tự chủ của Văn Lang và Âu Lạc kéo dài đến 2.700 năm, phát triển một nền văn minh rực rỡ, có ngôn ngữ riêng và hình thành bản sắc văn hóa phong tục thuần hậu đặc sắc của phương Nam, khác biệt hẳn với các bộ tộc phương Bắc.

Nhưng tham vọng bành trướng về phương Nam của các triều đại Trung Hoa vẫn còn đó. Đến thế kỷ thứ II trước Công nguyên, lãnh thổ Lạc Việt lại bị xâm lược và đô hộ lần lượt bởi các triều đại Tần, Hán, Tùy, Ngô, Đường…Các thái thú thực dân của họ đã liên tục thực hiện chính sách đồng hóa và triệt hạ tư tưởng phục quốc của người Việt một cách có hệ thống, từ việc sáp nhập, phân chia lãnh thổ Việt thành quận huyện của Trung Hoa, thay đổi chế độ gia đình Việt (mẫu hệ sang phụ hệ), thay đổi phong tục, y phục, kiểu tóc, ngôn ngữ Việt, buộc người Việt phải dùng họ tên theo người Hán…cho đến các hành động thần bí hoang đường như triệt phá long mạch, trấn yểm phong thủy…không thủ đoạn thâm hiểm nào là không làm. Nhưng họ đã thất bại.

{keywords}

Lịch sử nhân loại chắc chắn phải ghi nhận trường hợp kháng cự đồng hóa của dân tộc Việt sau ba thời kỳ Bắc thuộc kéo dài trên 1.000 năm như là độc nhất vô nhị. Ý chí kháng cự của người Việt là không thể bẻ gãy, khi lặng lẽ âm thầm như những bàn tay Việt cầm nắm đất vun lên trụ đồng với niềm tin sắt đá là dòng máu Lạc Hồng không thể tuyệt diệt, khi bền bỉ kiên trì như sự đồng lòng cùng nhau gìn giữ phong tục, tập quán, sử sách, ngôn ngữ… vì biết rằng còn văn hóa, còn tiếng nói là còn có tương lai, khi bộc phát dữ dội bởi hàng trăm cuộc kháng chiến anh hùng. Một dân tộc có ý chí tự chủ tự cường phải có ngày lấy lại được giang sơn gấm vóc.

Sau một thiên niên kỷ mất nước, người Nam lại giành được độc lập và tự hào đặt tên nước là Đại Việt, mở đầu thời kỳ phát triển. Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép rằng: “Nước Đại Việt là nơi đô hội ở phương Nam, ruộng cấy lúa tốt, đất trồng dâu tốt, núi sẵn vàng bạc, biển sẵn châu ngọc, người ở đâu đến làm ăn buôn bán cũng làm giàu được cả”, vì vậy lại tiếp tục lọt vào cặp mắt thèm khát của các thế lực xâm lược phương Bắc.

Sử gia Phan Huy Chú nhận xét: “Cái tiếng phong phú ấy đồn đi xa, nên Trung Quốc lúc nào cũng nghĩ cách chiếm đất nước mình, đặt làm quận huyện để cai trị đã từ lâu rồi. Lúc chưa lấy được thì nghĩ cách để lấy; lúc đã lấy được rồi thì không chịu bỏ ra nữa”.

Trong vòng 300 năm tiếp theo, các triều đại Nam Hán, Tống và Nguyên đã bảy lần gây binh lửa xâm lược Đại Việt và đều bị đánh bại. Vua Tống đã phải than rằng: “Nước Giao Chỉ nhỏ, thủy thổ độc dữ, dân chúng gan lì liều chết, có lấy được cũng vô ích” (Tống sử). Nhưng khi Mông Cổ thôn tính hoàn toàn Trung Hoa, Hốt Tất Liệt vẫn nuôi tham vọng: “Việc Nam chinh luôn canh cánh trong lòng ta”.

Trước mối đe dọa nguy hiểm thường xuyên đó, đối sách sinh tồn của các hoàng đế nước ta luôn là “Bắc phòng, Nam tiến”. Quốc sách ấy được thực hiện thành công nhờ vào những yếu tố căn bản.

Thứ nhất là ý chí độc lập tự cường, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngay từ thời Bắc thuộc ý chí đó đã được tuyên bố trong bài thơ Nam quốc sơn hà nam đế cư của Lý Nam Đế, được nhắc lại khi Lý Thường Kiệt chống quân Tống bên bờ sông Như Nguyệt. Cho đến thời Trần, ý chí đó lại được tha thiết căn dặn trong chúc thư của vua Trần Nhân Tông “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Khi diệt xong giặc Minh, Nguyễn Trãi một lần nữa thể hiện ý chí đó trong Bình Ngô Đại Cáo: “Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu, sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”.

Thứ hai là chính sách bồi dưỡng sức dân, phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi về phương Nam, củng cố không gian sinh tồn cho dân tộc Việt. Các vị hoàng đế nước ta hầu hết từ áo vải lập nên đại nghiệp nên thường sống giản dị, gần gũi với nhân dân, không xa hoa, lãng phí, không xây dựng đền đài cung điện to tát, trải qua hàng ngàn năm mở nước, không để lại công trình nào vĩ đại.

 Nhờ biết khoan sức dân, trọng dụng hiền tài, chăm lo phát triển kinh tế nên tuy nước nhỏ, dân không đông mà cường thịnh chẳng kém ai, trên dưới đồng lòng nên thừa sức đánh thắng nhiều cuộc ngoại xâm. Triều đình còn khuyến khích người dân khai khẩn đất hoang, dùng các biện pháp ngoại giao, mưu kế để mở mang bờ cõi. Thời Lý, giang sơn của Đại Việt đã đến vùng Quảng Trị ngày nay.

Đến đời Trần, hoàng đế Anh Tông gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân, vua Chiêm dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ, biên giới phía Nam của Đại Việt lúc này tiến đến đèo Hải Vân. Năm 1558, triều Hậu Lê, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn buộc Nguyễn Hoàng chăm lo phát triển, mở mang Đàng Trong. Ông khuyến khích làn sóng dân di cư khai phá những vùng đất hoang ở phía Nam, phát triển mạnh mẽ ngoại thương, tăng cường hợp tác buôn bán với nước ngoài. Nhiều đô thị ven biển, ven sông phát đạt. Hội An, Gia Định là những đô thị và hải cảng nổi tiếng sầm uất thời đó. Các chúa Nguyễn cũng rất quan tâm phát triển nông nghiệp.

Đến thế kỷ XVIII, những vùng đất hoang vu ở Nam bộ đã trở thành đồng ruộng phì nhiêu, tốt bậc nhất Đại Việt. Các chúa Nguyễn có tinh thần cầu tiến, sẵn sàng du nhập khoa học kỹ thuật phương Tây nên thủ công nghiệp Đàng Trong phát triển, xuất hiện nhiều ngành nghề mới như đóng tàu, thuyền, đúc súng, khai thác mỏ. Chính quyền Đàng Trong còn đưa người ra khai thác và thiết lập chủ quyền trên các hòn đảo lớn và quần đảo ở Biển Đông và vịnh Thái Lan. Quần đảo Hoàng Sa được ta khai thác và kiểm soát từ đầu thế kỷ XVII, Côn Đảo từ năm 1704, Phú Quốc từ năm 1708 và quần đảo Trường Sa từ năm 1711.

Năm 1836, vua Minh Mạng tổ chức việc đo đạc ruộng đất và lập địa bạở sáu tỉnh Nam Kỳ gồm Phiên An (sau này gọi là Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Lãnh thổ Đại Việt (Đại Nam) thời nhà Nguyễn trải dài từải Nam Quan đến mũi Cà Mau, dân số trên 10 triệu người, kinh tế phát triển.

Nhưng áp lực xâm lược từ phương Bắc vẫn còn đó. Thế kỷ XVIII, vua Càn Long sai Phúc Khang An, Tôn Sĩ Nghị tiến chiếm Thăng Long, bị Quang Trung hoàng đế đánh cho tan tác. Thế kỷ XX, Trung Quốc lại bộc lộ dã tâm xâm lược. Năm 1974, họ cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa, năm 1979, gây chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam, năm 1988 dùng vũ lực tiến chiếm phi pháp một số đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa.

Qua thế kỷ XXI, Trung Quốc công bố bản đồ chín đoạn lấn chiếm lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông, bồi đắp đảo nhân tạo, đúng như tiên đoán của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Không chiếm được nước ta thì gặm nhấm nước ta. Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang sơn nước ta từ tổ đại bàng thành tổ chim chích”.

Trước sự đe dọa đó, từ thập niên 90 của thế kỷ trước, các nhà lãnh đạo sáng suốt của Việt Nam, trong đó không thể không nói đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có tầm nhìn xa trông rộng đã tranh thủ chủ trương Đổi mới và Mở cửa để khởi động hành trình về Nam, dùng chiến lược hội nhập kinh tế với các nước phương Nam và thế giới để bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc Việt.

Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN và AFTA, năm 2007 gia nhập WTO, năm 2015 tích cực chuẩn bị vào TPP và ký hiệp định tự do thương mại song phương với EU. Ngày 31-12-2015, Việt Nam cùng với chín quốc gia ASEAN khác chung tay xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (Asean Economic Community – AEC), kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số trên 630 triệu người, trải dài trong một không gian bao la 12 triệu cây số vuông bao gồm đất liền, biển đảo và đại dương trù phú, giàu có tài nguyên, thành một liên minh kinh tế chặt chẽ, năng động và hùng mạnh được kỳ vọng sẽ giúp cho Đông Nam Á trở thành một khối thịnh vượng chung, một đối trọng cạnh tranh và hợp tác bình đẳng hơn, hiệu quả hơn với hai nền kinh tế lân cận Trung Quốc và Ấn Độ.

Với GDP nội vùng dự kiến sẽ đạt 4,7 nghìn tỉ USD vào năm 2020, AEC có triển vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030 và hứa hẹn mang lại một xã hội dân chủ, tiến bộ, có tăng trưởng kinh tế bền vững cho một khu vực Đông Nam Á hòa bình, tự do, tự cường, thịnh vượng, an ninh và ổn định lâu dài.

Đối với Việt Nam, ngày 31-12-2015 là một thời điểm trọng đại. Với việc trở thành thành viên tích cực của một liên minh kinh tế thịnh vượng ở phương Nam, dân tộc Việt chúng ta đã hoàn thành cuộc hành trình Nam tiến gian khổ và vẻ vang kéo dài hàng ngàn năm.

Còn nhiều khó khăn thử thách ở phía trước, nhưng giờ đây, dân tộc Việt hiếu hòa đã có những điều kiện cần thiết để làm chủ vận mệnh của mình và xây dựng một tương lai hòa bình và cường thịnh.

Huỳnh Bửu Sơn (Theo DNSGCT)