Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg công nhận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Theo đó, huyện Đô Lương có 32/32 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 15,625%. Trong đó, thị trấn Đô Lương đạt chuẩn đô thị văn minh. Đồng thời, 100% dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Chương trình xây dựng nông thôn mới đều được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công.

Đặc biệt, huyện Đô Lương không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

anh chup man hinh 2023 11 23 luc 111829.png
Một góc xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10 năm của huyện Đô Lương luôn duy trì ở mức khá cao. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng.

Thu ngân sách hàng năm của huyện Đô Lương đạt trên 300 tỷ đồng. Đặc biệt vào năm 2022 đạt gần 490 tỷ đồng.

Huyện Đô Lương có hơn 15.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về trên 200 triệu USD. 

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Đô Lương tăng từ 23,2 triệu đồng năm 2010 lên 65,76 triệu đồng năm 2022. Trong đó khu vực nông thôn đạt 57,83 triệu đồng/người/năm...

Toàn huyện có 26 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 đến 4 sao. Có trên 440 doanh nghiệp hoạt động, quy mô vừa và nhỏ, tạo công ăn việc làm cho hơn 12.700 lao động. Đến năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều chỉ còn 4,52%...

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện Đô Lương được quan tâm, đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển. 

Đến hết năm 2022, huyện có 3 tuyến đường quốc lộ, 6 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 180 km đi qua địa bàn; đầu tư làm mới được trên 1.050 km đường nhựa, bê tông. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp. Xây mới, sửa chữa 2.054 phòng học, phòng chức năng ở các cấp học. Xây mới 15 trạm y tế; đầu tư nâng cấp, xây dựng 2 nhà máy nước sạch, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy lên 28,1%.

Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản xuất. Nhờ đó, huyện đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung, với các sản phẩm chủ lực, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ.

Điển hình như mô hình trồng dược liệu gắn với chiết xuất chế biến tinh dầu với tổng diện tích 20 ha của Hợp tác xã Thực phẩm sạch chế biến tinh dầu dược liệu Đô Lương. Những năm qua, hợp tác xã đã liên kết và trở thành điểm tựa trong tổ chức sản xuất cho thành viên, nông dân liên kết, đồng thời thu mua 100% sản phẩm.

Hay mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm rau các loại giữa Hợp tác xã Nông sản an toàn Trung Sơn và Công ty Vincommerce thu mua toàn bộ sản phẩm rau, củ, quả, rau gia vị các loại do hợp tác xã sản xuất ra... Hiện, đã có trên 11 mặt hàng nông sản của hợp tác xã được siêu thị đặt hàng tiêu thụ.

Chăn nuôi của huyện cũng có bước phát triển vượt bậc, với hình thức chăn nuôi đa dạng, chăn nuôi trang trại phát triển theo hướng an toàn sinh học, VietGAP. Trên địa bàn huyện có 310 trang trại, gia trại, trong đó có 26 trang trại đạt chuẩn.

Công tác xúc tiến thu hút đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đạt kết quả cao; chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi theo hướng tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại, gia trại.

Y tế, giáo dục trên địa bàn huyện Đô Lương những năm qua có bước phát triển toàn diện, tiến bộ. Chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ngày được nâng cao.

Đến nay, huyện Đô Lương đã có 32/32 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,3%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2022 giảm còn 9%. 

Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Người dân đoàn kết, tin tưởng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, thường xuyên ở các xã, thôn (xóm) trong toàn huyện. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh quốc phòng được củng cố, giữ vững. 

Với những thành quả trên, huyện Đô Lương đã được Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Theo Quyết định, UBND tỉnh Nghệ An có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Đô Lương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Thông tin từ Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Nghệ An cho biết, đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 337 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 135 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tương đương 40% số xã nông thôn mới; có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới).

H. Thuý