Thị trường bán lẻ các sản phẩm cho mẹ và bé sôi động hơn bao giờ hết khi đại dịch đã được khống chế và sự quan tâm của người tiêu dùng đối với sức khỏe ngày càng lên cao, đặc biệt đối với nhóm dễ tổn thương như gia đình có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

“Sinh bé đầu tiên do không có kinh nghiệm, lúc nào cũng trong tình trạng sợ thiếu đồ, trong khi bà ngoại ở quê ra thành phố cũng không biết chọn mua đồ sơ sinh cho cháu”, chị Hoa Nguyễn, một bà mẹ bỉm sữa ở khu vực Hà Đông, lo lắng. Vì thế, do ngại mang bụng bầu đi khắp các cửa hàng chọn đồ, chị vào một siêu thị dành cho mẹ và bé để mua. Hàng hóa nhiều, đa dạng và có thêm được sự tư vấn từ người bán hàng.

Xu hướng tìm đến các siêu thị chuyên biệt dành mẹ và bé trở nên khá phổ biến ở các trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM và gần đây lan rộng ra nhiều thành thị trên phạm vi cả nước.

Các ông lớn đầu tư vào thị trường các sản phẩm cho mẹ và bé.

“Mua nhiều cũng lãng phí, quần áo có những bộ mặc chỉ 1-2 lần chật phải bỏ đi, thường phải đến bé thứ 2 thứ 3 mới có kinh nghiệm. Mua ở các siêu thị chuyên biệt đỡ mất thời gian đi lại và có sự tư vấn của nhân viên bán hàng giúp mình tiết kiệm hơn”, chị Đỗ Thị Yến nhận xét.

Theo chị Yến, giá cả trong các chuỗi siêu thị mẹ và bé thường đắt hơn so với các cửa hàng khác nhưng chất lượng có thể yên tâm hơn do các doanh nghiệp phải cẩn trọng trong việc giữ gìn thương hiệu.

Cuộc sống ngày càng hiện đại khiến nhu cầu sắm đồ cho mẹ và bé tăng lên, nhưng không khó để tìm những siêu thị đồ cho bé ở khắp nơi, trên cả nước như chuỗi Shop Con Cưng, Bibomart, Kids Plaza, Shop Trẻ Thơ, Tuti care,... Thậm chí, các bà mẹ bỉm sữa không cần ra ngoài mà có thể đặt mua đồ của các thương hiệu đã được xác lập trên thị trường trên các trang bán hàng trực tuyến uy tín như Shopee, Tiki, Lazada... để không phải mất công đi lại.

Sức hấp dẫn của xu hướng mua sắm mới của các bà mẹ bỉm sữa cùng với quy mô thị trường lớn, lên tới cả tỷ USD, khiến nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đổ tiền vào lĩnh vực này.

Đầu năm 2022, các báo quốc tế đưa tin Quadria Capital (trụ sở chính tại Indonesia) - một quỹ đầu tư tư nhân châu Á tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - hoàn tất đầu tư 90 triệu USD vào Con Cưng, với tham vọng giúp chuỗi bán lẻ cho mẹ và bé này mở thêm 2.000 cửa hàng vào năm 2025.

Quadria Capital đổ tiền vào chuỗi Con Cưng.

Trước Quadria Capital, hai tổ chức liên quan tới Chứng khoán SSI là Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) và Quỹ Daiwa - SSIAM Vietnam Growth Fund II L.P cũng đầu tư vào chuỗi Con Cưng.

Chứng khoán SSI còn hỗ trợ CTCP Đầu tư Con Cưng (sở hữu chuỗi Con Cưng) huy động trái phiếu phục vụ việc mở rộng hoạt động.

Ngoài ra, nhiều tổ chức lớn trong nước cũng nhắm tới lĩnh vực kinh doanh tiềm năng và có quy mô rất lớn này. CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài từ cuối 2021 có những thử nghiệm đầu tiên với chuỗi bán lẻ hàng hóa cho mẹ và bé AVA Kids, tính tới cuối tháng 4/2022 đã có 20 cửa hàng.

Trong tháng 5, Thế Giới Di Động ước tính có 50 cửa hàng và sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.

Ước tính, chuỗi mẹ và bé của các thương hiệu đã đạt hơn 1.000 cửa hàng tại Việt Nam. Thế Giới Di Động bày tỏ tham vọng muốn đứng đầu thị trường đồ cho mẹ và bé, với số lượng đạt ngưỡng 1.000 cửa hàng trở lên, doanh thu đóng góp 1-1,5 tỷ đồng/cửa hàng, tương đương 1.000-1.500 tỷ đồng tổng doanh thu.

Đại gia bán lẻ Nguyễn Đức Tài cũng vào cuộc.

Ông trùm bán lẻ Nguyễn Đức Tài nhắm tới miếng bánh 7 tỷ USD mảng đồ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là một bước đi tiếp theo của đại gia gốc Nam Định trong nỗ lực mở rộng sang nhiều ngóc ngách của mảng bán lẻ.

Sự hấp dẫn của thị trường tiêu dùng mẹ và bé Việt Nam là rất lớn, theo Quadria Capital, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này là đáng kinh ngạc, lên tới 30-40%/năm. Trong 4 năm qua, Con Cưng tăng trưởng theo cấp số nhân với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 70%.

Thực tế cho thấy, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang trên đà tăng mạnh. Theo World Data Lab, dự kiến tầng Việt Nam sẽ có thêm hơn 23 triệu người thuộc tầng lớp này tính đến 2030. Đây là động lực thúc đẩy sức tiêu dùng, trong đó ngành hàng mẹ và bé, nhờ xu hướng người giàu tận hưởng cuộc sống, nâng cao chất lượng trải nghiệm.

Trong thông báo đầu 2022, Quadria Capital cho biết, tập đoàn này sẽ hỗ trợ chuỗi Con Cưng để phát triển một siêu app “tất cả trong 1” cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cá nhân hóa cho khoảng 5 triệu bà mẹ Việt Nam.

Số cửa hàng của chuỗi Con Cưng khi đó là 600, nhưng tới 8/6/2022, con số này được thông báo là 658.

V. Hà

‘Bức tranh sáng’ của thị trường bán lẻ Việt Nam

Theo báo cáo mới nhất của CBRE châu Á, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng ngành bán lẻ tại thị trường châu Á Thái Bình Dương nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã và đang có những tín hiệu tích cực.