Những năm gần đây, mua sắm trực tuyến đã mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho bưu chính chuyển phát và logistics, vốn phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực hiện đơn hàng và giao hàng chặng cuối. Điều này đòi hỏi các công ty giao nhận, vận chuyển phải điều chỉnh mô hình và chiến lược kinh doanh.
Trong điều kiện hạ tầng giao thông hiện nay, các đơn vị chuyển phát rất khó đảm bảo tốc độ giao hàng mong muốn cho khách hàng. Giải pháp tối ưu hóa thời gian xử lý đơn hàng đang là bài toán của nhiều đơn vị.
Mới đây, Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS Việt Nam) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Grab Việt Nam triển khai nhóm dịch vụ chuyển phát siêu tốc, nhắm đến đối tượng khách hàng chính là các đơn vị làm thương mại điện tử.
Việc liên kết với các bên thứ ba để cung cấp những gói dịch vụ và giải pháp tích hợp sẽ giúp doanh nghiệp chuyển phát nâng chất lượng dịch vụ, tối ưu các tiện ích và chi phí, tăng trải nghiệm người dùng.
Theo kế hoạch, ngay trong tháng 11, EMS Việt Nam sẽ đưa ra các dịch vụ siêu tốc mới. Đây là dịch vụ chuyển phát hàng hóa ở phạm vi các quận nội thành, trong đó bưu gửi được ưu tiên chuyển phát đến người nhận với chỉ tiêu thời gian toàn trình từ khi nhận hàng đến khi phát hàng là từ 30 phút đến 4 giờ tùy theo gói dịch vụ.
Khi sử dụng nhóm dịch vụ mới này, người gửi sẽ đặt giao hàng qua ứng dụng của EMS Việt Nam, lực lượng tham gia nhận và phát hàng sẽ là các đối tác tài xế GrabExpress. Lộ trình triển khai dịch vụ được chia thành 2 giai đoạn, dự kiến từ cuối tháng 11 sẽ thực hiện trước ở khu vực nội thành của Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; và từ đầu năm 2023, dịch vụ mới được mở rộng cung cấp tại nội thành 19 tỉnh, thành phố khác.
Cụ thể, các doanh nghiệp thương mại điện tử, chủ shop online có thể chọn dùng 3 gói dịch vụ, gồm: Gói giao hàng siêu tốc - Dịch vụ có chỉ tiêu thời gian từ lúc đối tác tài xế nhận hàng đến lúc giao hàng là 30 phút với khoảng cách 5km đầu tiên và cộng thêm 10 phút với mỗi km tiếp theo; Gói giao hàng 2h - Dịch vụ có chỉ tiêu thời gian từ lúc đối tác tài xế nhận hàng đến lúc giao hàng là 2 giờ trong nội thành các địa phương áp dụng; Gói giao hàng 4h - Dịch vụ có chỉ tiêu thời gian từ lúc đối tác tài xế nhận hàng đến lúc giao hàng là 4 giờ trong nội thành các tỉnh, thành áp dụng, với khoảng cách từ điểm nhận hàng đến điểm giao hàng tối đa 20km.
Trước đó, để giải bài toán tối ưu chi phí trong khi vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ, chỉ tiêu thời gian toàn trình chuyển phát đến khách hàng, từ năm 2019, Viettel Post đã ra mắt MyGo - nền tảng kết nối người dùng với doanh nghiệp chuyển phát, đồng thời huy động sự tham gia của các lao động ngoài trở thành đối tác giao hàng của đơn vị.
Theo Bộ TT&TT, cùng với sự phát triển thương mại điện tử và công nghệ, lĩnh vực bưu chính đã có tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức cao những năm gần đây. Chín tháng đầu năm nay, doanh thu từ dịch vụ bưu chính tăng 23% và sản lượng bưu gửi tăng 25%. Đặc biệt, nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ ngày càng cao và bưu chính đã khẳng định vai trò là hạ tầng quan trọng của thương mại điện tử.