Hơn 60% gặp rào cản chi phí đầu tư

Hôm nay, 9/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức “Diễn đàn Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số”. 

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên đổi số (SMEdx) đi vào hoạt động từ đầu năm 2021. Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính đến 9/2022 có trên 490.000 doanh nghiệp tiếp cận, chiếm 61% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa cả nước. Trong đó, có 62.047 doanh nghiệp đã sử dụng các nền tảng SMEdx, chiếm 13% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa cả nước.

Chuyển đổi số đang mở ra cơ hội cho tất cả doanh nghiệp. (Ảnh: MPI)

Các ứng dụng được sử dụng nhiều là nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp với 39,8%; nền tảng nhân sự, tổ chức 17%; nền tảng du lịch, khách sạn 16%; nền tảng hạ tầng công nghệ 14%, nền tảng kế toán tài chính 10%...

Tuy nhiên, trên thực tế, chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Khảo sát do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tổ chức USAID (Mỹ) thực hiện về chuyển đổi số cho thấy, 60,1% doanh nghiệp phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi chuyển đổi số là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp cho hay thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen,...

Giúp doanh nghiệp thay đổi

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến từ giới chuyên môn đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số thành công.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng, chuyển đổi số không phải là phong trào và ai làm cũng thành công. Nó phải xuất phát trực tiếp từ khó khăn nội tại của doanh nghiệp. Muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải có quyết tâm từ người lãnh đạo cao nhất. Tiếp đến, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế và trong nước, học hỏi từ các doanh nghiệp đi trước.

Theo ông Tuấn, cần nghiên cứu kỹ những bước chuyển đổi số và đánh giá thử độ chín của chuyển đổi số với doanh nghiệp mình. Hiểu kỹ rồi mới gặp các nhà tư vấn và quyết định chọn nền tảng nào, công cụ nào để chuyển đổi số. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp không hiểu kỹ vấn đề của chính mình, hoàn toàn trông cậy vào các nhà tư vấn. Trong khi đó, phía tư vấn không thể hiểu rõ về doanh nghiệp nên lạc lối.

Ông Đỗ Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Wincom, cho biết, chi phí về công nghệ trong chuyển đổi số chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí. Mua phần mềm về ứng dụng vào hoạt động kinh doanh không khó, vấn đề là phải khai thác được giá trị của nó.

Muốn vậy, doanh nghiệp phải hiểu rõ những vấn đề của mình, cần giải quyết như thế nào. Tức là phải có đầu bài rõ ràng, quy trình rõ ràng, sau đó cùng làm việc với đối tác về chuyển đổi số để họ cũng nắm và hiểu rõ các vấn đề của doanh nghiệp, từ đó đưa ra phương án phù hợp.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), thông tin, tập đoàn đã thiết kế một nền tảng tích hợp tất cả về quản trị doanh nghiệp với tên gọi “One SME”, để phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Chúng tôi thực hiện theo hình thức giống như thuê bao điện thoại, có trả phí hàng tháng. Số phí phù hợp với từng doanh nghiệp nhỏ. Hoạt động của ứng dụng do nhân lực của VNPT điều hành. Chúng tôi có mạng lưới bưu chính, viễn thông rộng khắp cả nước đang triển khai hoạt động này, với hàng trăm ngàn tài khoản sử dụng dịch vụ. Qua đó, giải bài toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số", ông Thái nói.