Phát biểu tại một phiên hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT sàn TMĐT Sendo đã đưa ra nhiều nhận định về thị trường TMĐT Việt Nam trong bối cảnh đại dịch.

Ông Dũng dẫn số liệu từ báo cáo mới nhất của Google cho thấy, dù đại dịch tác động nặng nề đến nền kinh tế, nhưng TMĐT khu vực Đông Nam Á vẫn tăng trưởng 60%. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, cho thấy sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng so với trước.

{keywords}
Nhiều sản phẩm Việt "lỡ sóng" khi chưa lên sàn TMĐT. Ảnh minh họa: Cafebiz

Tăng trưởng TMĐT Việt ở mức cao hơn trung bình khu vực. Theo đó, năm 2021 thị trường TMĐT ghi nhận tăng trưởng 68%, khi có thêm hàng triệu người dùng mới trên khắp đất nước.

Ông Nguyễn Đắc Dũng đánh giá, đây là những con số đáng mừng. Nhưng ông cũng đề cập đến số liệu khác từ iPrice, chỉ có 17% thương hiệu trong nước đang nằm trong top đầu về sản phẩm bán chạy nhất trên các TMĐT. “Điều này thể hiện sự chậm chân của doanh nghiệp Việt trong việc tận dụng làn sóng phát triển TMĐT trong đại dịch”, ông Dũng cho biết.

Cụ thể, báo cáo iPrice công bố vào tháng 10 vừa qua cho thấy hàng Việt còn mờ nhạt, khi chỉ chiếm trung bình 17% trong số mặt hàng được tìm mua trên sàn TMĐT giai đoạn năm 2020 và nửa đầu 2021, bất chấp xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh thời kỳ đại dịch.

Ngược lại, có đến 83% số sản phẩm được quan tâm nhất trên các sàn TMĐT là hàng ngoại nhập. Con số này thậm chí còn có chiều hướng suy giảm. Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt trong top 1200 sản phẩm bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. Trong đó, khi so sánh giữa các sàn, thương hiệu Việt được tìm mua nhiều nhất trên sàn TMĐT, trong số 300 sản phẩm phổ biến, Sendo chiếm 25%, theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).

Sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng thuộc thương hiệu trong nước chỉ còn chiếm 14% các sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua, cho thấy một sự suy giảm rõ so với năm trước. Dẫn đầu trong chỉ số này giữa các sàn năm 2021 tiếp tục là hai sàn nội địa Tiki (21%) và Sendo (16%).

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Sendo khẳng định luôn hỗ trợ các doanh nghiệp, sản phẩm nội địa bằng nhiều hình thức trong bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Ông Dũng cũng đưa ra nhận định, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt lên sàn TMĐT. “6 tháng đến 1 năm tới là cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt tiếp cận TMĐT như là 1 kênh bán hàng mới. Vì vậy, doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ này để chiếm thị phần nhiều hơn so với hàng quốc tế đang bán trên các sàn TMĐT”.

Duy Vũ

Sàn thương mại điện tử phải báo cáo số liệu hoạt động cho Bộ Công Thương

Sàn thương mại điện tử phải báo cáo số liệu hoạt động cho Bộ Công Thương

Các sàn thương mại điện tử phải báo cáo số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước tới Bộ Công Thương và đăng tải công khai nhiều thông tin về cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại.