21 DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vừa tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến CNHT Việt Nam-Nhật Bản 2021 và có cơ hội giao thương trực tuyến với 48 DN Nhật Bản nhằm trao đổi thông tin, tìm hiểu năng lực, yêu cầu và đàm phán tìm kiếm đối tác. Sự kiện được tổ chức hôm 10/6 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ-Đại sứ Quán Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN-Nhật Bản thực hiện.

Có thể nói rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản là đối tác tin cậy và lâu dài của Việt Nam từ hơn 25 năm nay. 

{keywords}
Môi trường làm việc tại cty Canon hiện đại (ảnh: TN)

Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, chia sẻ với báo chí Việt Nam cho biết, ngay trước khi dịch COVID-19 bùng nổ, Việt Nam đã nằm sẵn trong danh sách các điểm đến đầu tư phổ biến với doanh nghiệp Nhật. Trong các khảo sát của JETRO với các doanh nghiệp thành viên thì Việt Nam luôn nằm trong top ba và trong lần khảo sát mới nhất thì Việt Nam nằm thứ hai, chỉ sau Trung Quốc và trước cả Thái Lan.

Trước đây chỉ có các công ty sản xuất, giờ có thêm các công ty bán lẻ và dịch vụ, với những tên tuổi lớn có thể kể đến như AEON, UNIQLO, Matsumoto Kiyoshi… Những công ty này đều đang nghiên cứu để mở rộng quy mô tại Việt Nam.

Ông nhấn mạnh, năm 2021 sẽ chứng kiến nhiều công ty sản xuất và dịch vụ của Nhật Bản đến Việt Nam, hay các công ty hiện có sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên,Hirai Shinji  lưu ý, hai lĩnh vực chính Việt Nam cần cải thiện trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản, đó là cơ sở hạ tầng (đặc biệt là giao thông và logistics) và hoàn thiện chuỗi cung ứng (nguyên phụ liệu, linh kiện…) cho doanh nghiệp Nhật.

Doanh nghiệp Việt Nam khá yếu ở khâu cung ứng nguyên phụ liệu, linh kiện với mức độ cung ứng nội địa ở mức 37% so với Trung Quốc (67,6%) lẫn Thái Lan (59.9%). Do vậy, yếu tố này cũng cần phải cải thiện nhiều.

Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM cũng nhận xét, Chính phủ Việt Nam đã rất năng động và chủ động tham gia các FTA, và các công ty Nhật tại Việt Nam đang tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội này, như nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường ASEAN hay các thị trường đã có FTA từ các nước lân cận để sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tăng tốc cải thiện khả năng cạnh tranh của mình.

Theo Bộ Công Thương, một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa-cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. 

Văn Thành