Sau lệnh cấm của chính phủ Mỹ, nhiều công ty công nghệ đã cắt đứt mối quan hệ làm ăn với Huawei. Do còn lượng lớn linh kiện dự trữ trong kho, việc bị các bạn hàng quay lưng chưa thực sự ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác ở mặt trận kinh doanh.
Theo Phonearena, nhiều người dùng hiện đang giữ thái độ nghe ngóng trước những tin tức xấu về Huawei. Nhu cầu sở hữu những chiếc điện thoại Huawei đã giảm mạnh. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy tại các nước Châu Âu, thị trường quốc tế chính của những chiếc điện thoại Huawei.
Doanh số Huawei đang giảm mạnh tại nhiều nơi. |
Báo cáo của WinFuture cho thấy, doanh số smartphone Huawei tại Đức đã giảm mạnh chỉ vài tuần sau lệnh cấm vận thương mại của chính phủ Mỹ. Cụ thể, Huawei chỉ chiếm khoảng 12% thị phần điện thoại được bán ra tại Đức trong tuần cuối của tháng 5/2019. Mức thị phần này đã giảm quá nửa so với con số 26% hồi đầu tháng.
Không giống như Mỹ, nơi các dòng smartphone đời mới đều được khóa mã và bán theo đường nhà mạng, thị trường di động Đức là cuộc chiến của nhà mạng cùng những nhà bán lẻ. Tuy nhiên, doanh số điện thoại Huawei tại các nhà bán lẻ hàng đầu nước Đức là Saturn và Mediamarkt đều đã giảm khoảng 50% trong mấy tuần gần đây. Tương tự với Huawei là Honor, nhãn hàng do Huawei sở hữu đã giảm tới 40% doanh số.
Thông thường, trong trường hợp nhu cầu của thị trường yếu, các nhà bán lẻ có thể giảm giá bán một chút để kích cầu. Tuy vậy, trong trường hợp của Huawei, cả nhà bán lẻ và nhà mạng đều không muốn giảm giá vì lượng hàng tồn kho được mua với mức giá trước khi chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm thương mại. Điều này cũng có nghĩa, bất kỳ hoạt động giảm giá nào cũng có thể kéo theo sự sụt giảm về lợi nhuận.
Tuấn Nghĩa (Theo Phonearena)