Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa xét xử 22 bị can trong vụ án buôn lậu ô tô cũ qua biên giới từng gây chấn động dư luận do Hà Tuấn Dũng (tức Dũng “mặt sắt”) cầm đầu. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã làm rõ hành trình liều lĩnh của các bị cáo khi tổ chức vận chuyển trót lọt 575 siêu xe qua đường ống cống!
1. Trong số 22 bị cáo phải hầu tòa thì có 13 người là nhân viên Công ty Tuấn Đông đồng thời cũng là tay chân, đám “ong ve” dưới trướng của Dũng “mặt sắt”. 7 bị can thuộc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương. Riêng Hà Tuấn Dũng cùng ba bị can khác thuộc Công ty Cổ phần NC là Hoàng Đào Xuân Nghĩa, Hồ Quang Đoàn, Nguyễn Thành Chung tạm thời bị đình chỉ điều tra vì bọn chúng đang bỏ trốn. Tất cả các bị cáo đều bị truy tố tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” theo Khoản 3, Điều 154 Bộ Luật hình sự.
Các bị can trước vành móng ngựa. |
Đau xót nhất có lẽ là hai bị can Bùi Quang Anh (SN 1984 trú tại Thanh Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh) và Triệu Hoài Anh (SN 1974 trú tại Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội). Quang Anh và Hoài Anh nguyên là cán bộ thuộc Chi Cục Hải quan Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà, Quảng Ninh). Là công chức nhà nước, đồng thời biết rõ pháp luật Nhà nước ta nghiêm cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX) xe ôtô đã qua sử dụng song Quang Anh và Hoài Anh vẫn có hành vi giúp sức cho nhiều doanh nghiệp xuất lậu ôtô qua biên giới.
Trong bốn ngày xét xử, gần như 22 bị cáo khi bị thẩm vấn về hành vi “vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới” đều nhanh chóng cúi đầu nhận tội. Chỉ riêng phần thẩm vấn bị cáo Chu Phúc Lượng (quốc tịch Trung Quốc) vì bất đồng ngôn ngữ nên nhiều lần HĐXX phải nhờ đến phiên dịch. Tuy nhiên Lượng đã khiến cho cả khán phòng cười ồ khi luật sư hỏi Lượng: “Bị cáo có biết tiếng Việt không?”. Lượng đã trả lời rành rẽ bằng tiếng Việt: “Bị cáo không biết ạ!”
Bị cáo Bùi Thị Phương (vợ Dũng “mặt sắt”) đã thừa nhận bản thân được chồng là Hà Tuấn Dũng giao việc quản lý tài chính của Công ty Tuấn Đông. Khi hành vi vận chuyển ô tô trái phép qua biên giới bị bại lộ, Phương đã chỉ đạo cất giấu, tiêu hủy các giấy tờ có liên quan đến việc mua bán hàng trăm siêu xe.
Và dù cho Hà Tuấn Dũng (Dũng “mặt sắt”, SN 1974, nguyên là Giám đốc Công ty Tuấn Đông) không có mặt tại phiên tòa, song qua lời khai của nhân viên, đám “ong ve” dưới trướng của Dũng – bộ mặt của “ông trùm” đường biên đã hiện rõ.
Dũng “mặt sắt” đã chỉ đạo Bùi Tiến Quảng (Giám đốc Công ty Tuấn Đông) cùng đàn em vận chuyển hàng trăm siêu xe đã qua sử dụng nhằm thu lời bất chính. Cơ quan điều tra đã làm rõ Công ty Tuấn Đông đã thực hiện trót lọt việc vận chuyển 138 xe ôtô (chủ yếu thuộc dòng siêu xe và siêu sang như Audi, Lexus, Mercedes, Porsche, Land Rover...). Trong số đó, chỉ riêng 25 xe ôtô bị cơ quan điều tra thu giữ trong cuộc đột kích vào đêm ngày 5 rạng ngày 6-5-2013 đã được định giá lên tới 17 tỷ đồng.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương xuất được 338 siêu xe các loại, cơ quan điều tra thu giữ 29 chiếc xe, được định giá 19 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế NC xuất được 99 ôtô. Tổng cộng ba công ty đã xuất được 575 xe. Tất cả số siêu xe này đều được các đối tượng vận chuyển qua đường cống tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh sang Trung Quốc.
2. Dũng “mặt sắt” vốn là đàn em dưới trướng của ông trùm Phương “Ninh hột”, khởi nghiệp bằng nghề buôn bán mủ cao su. Sau khi Phương sa cơ, Dũng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đã đoạt được ngôi vị đứng đầu giang hồ vùng biên Móng Cái (Quảng Ninh).
Bị can Dũng “mặt sắt” vẫn đang bỏ trốn. |
Phát hiện thấy TNTX là lĩnh vực béo bở, Dũng lập tức nhảy vào. Bằng việc thu nạp Vinh “Trắng”, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồng Công – là một công ty chuyên về lĩnh vực TNTX, Dũng đương nhiên nắm được những đầu mối và mánh khóe của nghề này.
Cũng theo kế sách của Vinh “trắng”, để tránh những “thị phi” trong giới giang hô,ì Dũng không lộ mặt thực hiện các phi vụ mà rút vào hậu trường chỉ đạo thuộc hạ.
Tháng 5-2012, Dũng đã chuyển nhượng 80% vốn góp cho Bùi Tiến Quảng (SN 1983, trú tại Trà Cổ, TP Móng Cái) và Quảng thay Dũng làm Giám đốc Công ty Tuấn Đông. Hình thức là thế, song Dũng vẫn chỉ đạo điều hành mọi công việc từ lớn đến bé. Đặc biệt Dũng “rải tiền” để thực hiện việc “bao biên” (Dũng trực tiếp liên hệ với Hải quan, Biên phòng tại các cửa khẩu) để Công ty Tuấn Đông vận chuyển ôtô từ nước ngoài về Quảng Ninh và đưa sang Trung Quốc trái phép mà không bị làm khó. Bùi Thị Phương (vợ Dũng) được coi là “tay hòm chìa khóa”, cung cấp tài chính và quản lý thu chi cho hoạt động của Công ty Tuấn Đông.
Để hợp thức thủ tục kinh doanh TNTX xe ôtô cũ, Dũng hướng dẫn cho Quảng trao đổi với đối tượng người Trung Quốc có tên là A Dắt để làm thủ tục ký khống các hợp đồng mua và hợp đồng bán ôtô chưa qua sử dụng với các khách hàng (không rõ tên và địa chỉ), để vận chuyển ôtô từ Hồng Công về cảng Cái Lân sau đó vận chuyển sang Trung Quốc qua khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh.
Dàn xe “khủng” của Dũng “mặt sắt” bị cơ quan Công an thu giữ. |
Một vụ điển hình mà cơ quan điều tra đã làm rõ từ ngày 1-3-2013 đến ngày 3-5-2013, Bùi Tiến Quảng đã ký 19 hợp đồng và mở 20 tờ khai hải quan để hợp thức mua 138 xe ôtô ghi chưa qua sử dụng có trị giá gần 11 triệu USD (tương đương khoảng hơn 240 tỷ đồng) với Công ty Luen Hing Enterprise Company. Đồng thời, Bùi Tiến Quảng ký hợp đồng bán số xe này cho Công ty TNHH Viễn Đạt - Đông Hưng, Trung Quốc.
Khi A Dắt cung cấp các thông tin về xe ôtô, Quảng giao cho Lê Quang Hải, Trịnh Thị Bình (nhân viên Công ty Tuấn Đông) lấy thông tin (nhãn hiệu, số Vin xe ô tô) ghi trong vận đơn để soạn thảo hợp đồng và dùng tờ giấy có con dấu, chữ ký khống in ra thành hợp đồng mua, hợp đồng bán xe ôtô, in khống hóa đơn thương mại của bên bán. Sau khi xe ôtô được vận chuyển về cảng Cái Lân, Bùi Tiến Quảng giao cho Lê Quang Hải đến cảng làm thủ tục mở tờ khai TNTX và cùng cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa sau đó thuê xe vận chuyển về cửa khẩu Bắc Phong Sinh.
Để tiếp tục vận chuyển xe ôtô sang Trung Quốc trái phép, ngày 5-5-2013, Bùi Tiến Quảng thống nhất với A Dắt lợi dụng trời tối sẽ chuyển ô tô giao cho các đối tượng người Trung Quốc. Quảng phân công Vũ Văn Đông (trú ở Khu 2, phường Bình Ngọc, TP Móng Cái) và Trung Thế Bình (trú ở khu Tràng Lộ, phường Trà Cổ, TP Móng Cái) lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh để làm thủ tục; đồng thời Quảng gọi điện thoại thông báo cho Nguyễn Đình Huy biết để phối hợp.
Nguyễn Đình Huy đã gọi điện thoại cho Triệu Hoài Anh - cán bộ Hải quan Bắc Phong Sinh xin xuất hàng và báo cho Khổng Văn Thọ, Đồng Văn Sơn, Đào Thanh Bình, Bùi Ngọc Quyền (nhân viên Công ty Tuấn Đông) lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh để “canh” đường phục vụ cho việc vận chuyển ôtô sang Trung Quốc, đề phòng các cơ quan chức năng phát hiện.
Khoảng 19 giờ ngày 5-5-2013, Vũ Văn Đông lái xe ôtô Hummer BKS 14L-3418 đi cùng Trung Thế Bình, Nguyễn Đình Huy lái xe ôtô Toyota Innova BKS 14P-4849 của mình đón Bùi Tiến Quảng và Đào Thanh Bình. Trên đường đi Huy bảo Bình gọi điện cho Bùi Ngọc Quyền và Đồng Văn Sơn lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh; Khổng Văn Thọ lái xe ôtô Toyota Fortuner của mình BKS 30T-6674 đón Chung Thế Cường, Hoàng Mai Duy và Mạc Văn Chung đều đi từ Móng Cái đến đến cửa khẩu Bắc Phong Sinh.
Tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Huy phân công Đồng Văn Sơn dùng xe ôtô BKS 14P-4849 của Huy đi cảnh giới và trông đường đoạn từ cửa khẩu đến Pò Hèn; Huy phân công Đào Thanh Bình dùng xe ôtô BKS 16M-4248 cùng Bùi Ngọc Quyền đi cảnh giới và trông đường từ cửa khẩu đến Hoành Mô, huyện Bình Liêu; Huy phân công Khổng Văn Thọ cùng Chung Thế Cường, Mạc Văn Chung và Hoàng Mai Duy đi ôtô của Thọ cảnh giới và trông đường đoạn từ cửa khẩu ra ngã tư Quảng Đức.
Tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Vũ Văn Đông sau khi liên lạc với đối tượng A Nhì (người Trung Quốc) đồng ý nhận xe, Đông gặp và giao cho Bùi Quang Anh - cán bộ Hải quan Bắc Phong Sinh 2 bộ hồ sơ hải quan gồm tờ khai nhập khẩu và tờ khai xuất khẩu số 250, 251 xin mở container để xuất 21 xe ôtô các loại.
Sau khi được sự đồng ý của Bùi Quang Anh và biên phòng khu vực cửa khẩu, Đông giao cho Trung Thế Bình mở container. Trung Thế Bình đã mở một container đưa được 3 xe ôtô ra bơm lốp, đổ xăng, kiểm tra kỹ thuật xe và lái 3 xe ôtô này xuống khu vực sân chợ giao cho Đông để vận chuyển sang Trung Quốc.
Cùng thời điểm đó Vũ Văn Đông dự định vận chuyển giao cho A Nhì 7 xe ôtô thuộc các tờ khai số: 238 (có 3 xe), 239 (có 3 xe), 232 (có 1 xe). Trước khi nhận xe các đối tượng người Trung Quốc đã mang biển số giả của Trung Quốc lắp vào các xe ôtô sẽ giao nhận. Vũ Văn Đông đã lần lượt lái các xe ôtô hiệu Mercedes Benz GL 550, xe Porsche, xe Audi Q7 thuộc tờ khai TNTX số 238 đăng ký nhập khẩu ngày 22-4-2013 từ sân chợ cửa khẩu Bắc Phong Sinh theo lối mòn đi ra đầu cống giao cho A Nhì.
A Nhì nhận xe lái xuống cống theo đường cầu sắt cạnh cửa khẩu Bắc Phong Sinh qua sông Ka Long qua biên giới sang địa phận Trung Quốc. Khoảng 22 giờ 30 phút, A Nhì thông báo cho Đông biết không nhận được xe nữa, nên Đông đưa 4 xe ôtô thuộc các tờ khai số 232 và 239 về sân chợ Bắc Phong Sinh để cùng 3 xe ôtô Bình giao chưa vận chuyển được thì bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ; Cơ quan điều tra đã thu giữ của Công ty Tuấn Đông 25 xe ô tô bao gồm: 7 xe ôtô để ở sân chợ và 18 xe ôtô để trong 6 container.
Sau khi biết không vận chuyển được xe ôtô sang Trung Quốc, Huy gọi điện thoại cho Đào Thanh Bình và Bùi Ngọc Quyền quay về cửa khẩu Bắc Phong Sinh, khi Quyền cùng Bình quay về gặp Huy, Quảng thì bị Cơ quan điều tra phát hiện mời về làm việc; đối với Đồng Văn Sơn, Khổng Văn Thọ, Chung Thế Cường, Mạc Văn Chung và Hoàng Mai Duy đang ngồi trong ôtô trông đường thì bị Cơ quan điều tra phát hiện mời về trụ sở của cửa khẩu Bắc Phong Sinh để làm việc.
Nghe tin Bùi Tiến Quảng cùng đồng bọn bị bắt, Bùi Thị Phương đã mang toàn bộ sổ sách ghi chép việc ứng và nhận tiền của Công ty Tuấn Đông vứt xuống sông Ka Long; đồng thời Phương nhờ Bùi Thị Nga, Đỗ Ngọc Hậu, Hoàng Văn Đông và Hoàng Như Lý đến trụ sở của Công ty Tuấn Đông ở số 1 Đào Phúc Lộc, phường Trần Phú, TP Móng Cái lấy toàn bộ sổ sách giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc mua bán, vận chuyển ôtô để đốt và đưa cho ông Hoàng Như Lý mang đi cất giấu, nhằm đối phó với Cơ quan điều tra.
Chiều ngày 29-4-2016, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh đã khép lại 4 ngày xét xử vụ án. HĐXX nhận định, hành vi buôn lậu của các bị cáo là nghiêm trọng cần phải có những hình thức xử lí thích đáng.
HĐXX đã tuyên phạt hai bị cáo Triệu Hoài Anh và Bùi Quang Anh, cán bộ Hải quan thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Bắc Phong Sinh mức án là 31 tháng tù. Các bị cáo Bùi Tiến Quảng, Giám đốc Công ty Tuấn Đông; Lê Hồng Bàng, Giám đốc Công ty Tân Đại Dương bị kết án 6 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Đại Dương, bị kết án 36 tháng tù treo. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 30 tháng đến 5 năm tù. Thời gian thi hành án kể từ ngày bị bắt.