Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 9km, tọa lạc tại số 142/144 Bùi Hữu Nghĩa, Nhà cổ Bình Thủy là một trong những công trình kiến trúc cổ độc đáo có tuổi đời gần 150 năm còn giữ nguyên vẹn nét đẹp xưa.
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1870 thuộc sở hữu của nhà họ Dương. Căn nhà cổ này là một trong số ít những căn nhà cổ còn nguyên vẹn, có giá trị lớn trong việc hỗ trợ công tác nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hóa, phong tục tập quán của người dân đồng bằng sông Cửu Long thời kì giao thoa giữa hai thế kỉ.
Chủ nhân ngôi nhà là ông Dương Chấn Kỷ – một thương gia trí thức giàu có, đồng thời cũng là điền chủ có óc mỹ thuật. Ông rất thích tìm tòi cái mới, lạ của trào lưu Tây phương đang thịnh hành, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc. Chính vì vậy, du khách có thể nhận thấy ngôi nhà theo phong cách kiến trúc biệt thự cổ kiểu Pháp sang trọng. Đặc biệt hơn cả là ngôi nhà mang đậm dấu ấn phong thủy rõ nét của người phương Đông, tạo nên một không gian hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây.
Ngôi nhà được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 6.000m2 theo hướng Đông Tây với nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn. Khu nhà được bao bọc bởi cây cảnh được cắt tỉa chu đáo, hoa nở rộ bốn mùa. Khiến cho ngôi nhà vừa mang nét hoài cổ kính đáo vừa sống động, thơ mộng và tươi mới.
Từ ngoài nhìn vào có thể nhận hàng rào được làm bằng sắt có các trụ chính bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp. Bước qua cổng chính là đến cổng tam quan theo kiểu kiến trúc người Hoa, nó nằm chếch về phía bên phải có 4 cột trụ lớn, 2 trụ xi măng và 2 trụ gỗ được trang trí bằng nhiều hình thù sống động như cá vàng, kỳ lân, hoa lá. Đặc biệt nhất chính là ở đây có gắn 2 bảng hiệu lớn: “Phước An Hiệu” bảng tiếng Hoa và “Phủ thờ họ Dương” bằng tiếng Việt.
Khác biệt với nhiều những ngôi nhà khác, mặt tiền nhà cổ Bình Thủy không có cầu thang đi lên trực tiếp mà được thiết kế hai bên, chính giữa hai cầu thang là những cây hoa kiểng án ngữ thể hiện quan niệm phong thủy của người phương Đông.
Ngăn cách nhà trước, nhà sau, nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo bằng gỗ với các đồ án quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, đồng thời cũng gần gũi với đời sống của người dân Việt ở Nam Bộ.
Nội thất trong nhà có nhiều cổ vật được bày trí và sắp xếp cân xứng. Phòng khách thì theo phong cách châu u cổ điển với bộ salon đời Louis XV của Pháp, chùm đèn cổ điển… Ngoài ra còn có những không gian khác theo phong cách Việt cổ xa hoa: bộ chén rượu thời Minh Thanh, bộ bàn ghế cẩm thạch vân xanh từ Vân Nam, bình ngọc men xanh cao 1,2m… Tất cả cũng đã tái hiện trọn vẹn được hình ảnh của một gia tộc thịnh vượng trong thời bấy giờ.
Đặc biệt, nhà cổ còn được xây trên một nền móng khá cao, nguyên nhân cũng rất đơn giản là để tránh ngập nước ở mảnh đất miền Tây thời xưa. Ngoài ra còn có một nét độc đáo nữa là trong quá trình xây nhà chính, gia chủ họ Dương đã thực hiện lót một lớp muối hạt dày chừng 10cm dưới nền gạch bông. Đây chính là kinh nghiệm của dân Nam Bộ xa xưa áp dụng khi xây nhà, để vừa xua đuổi côn trùng, giúp nhà thông thoáng mà còn vừa tránh tà vật theo phong thủy.
Tuy kiến trúc ngôi nhà, phòng khách bài trí theo phong cách Châu Âu, nhưng nơi quan trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt. Điều này cho thấy có sự giao tiếp văn hóa Đông-Tây một cách hài hòa, chọn lọc thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân.
Tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữa cốt cách dân tộc, làm cho bộ mặt văn hóa của vùng đất ngày ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Chính sự tiếp thu, vận dụng tài tình, hợp lý đã làm cho công trình có một phong cách riêng, thể hiện rõ nét lối kiến trúc giao thời giữa hai thế kỷ 19-20 của tầng lớp dân giầu có ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng. Ngoài ra, du khách đến thăm còn có thể nhờ gia chủ giải thích thêm về lối kiến trúc cũng như những ẩn ý đặt trong từng cách bài trí của ngôi nhà.