Với mục tiêu “thêm bạn bớt thù”, từ Đại hội Đảng VII (năm 1991), Đảng và Nhà nước ta đã có bước đột phá tư duy trong đường lối đối ngoại, khi thực hiện chủ trương: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Quan điểm đó, đã hóa giải được những khác biệt về ý thức hệ và những bất đồng với tất cả các quốc gia từng là cựu thù và trở thành đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam.

Đây là nguyên nhân mang tính quyết định để đất nước thoát khỏi tình trạng bị cô lập, hội nhập với thế giới, và tạo ra sự phát triển vượt bậc cho đất nước.

Hòa giải, hòa hợp dân tộc là một trong những quan điểm cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: VOV

Với các quốc gia cựu thù chúng ta đã hóa giải được những khác biệt, bất đồng. Vậy tại sao cùng là đồng bào, chúng ta không vượt qua được mặc cảm quá khứ, không gột rửa được lòng thù hận để dang cánh tay thân thiện với nhau?

Cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc đã gần nửa thế kỷ, vậy mà đến nay vẫn còn một bộ phận nhỏ người Việt, cả trong và ngoài nước, cứ đến dịp 30/4 là công kích, thóa mạ, miệt thị nhau trên mạng xã hội. Hành động đó không chỉ trái với truyền thống, đạo lý của dân tộc, trái với tình người, gây hiềm khích chia rẽ dân tộc mà còn làm xấu xí hình ảnh, bản chất của người Việt, của đất nước trước bạn bè quốc tế.

Chẳng lẽ chúng ta không hiểu rằng nếu cứ nuôi lòng hiềm khích, thù hận thì chính chúng ta chứ không phải ai khác đang tự hại mình, hại con cháu mình và hại dân tộc mình?

Phải chăng trong một bộ phận người Việt lòng hận thù giai cấp, hận thú ý thức hệ đã trở thành thâm căn cố đế, nên họ không ngộ ra được đâu là đạo lý, đâu là nhân bản văn minh?

Xin trích dẫn một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về hòa giải, hòa hợp dân tộc. Với hy vọng giúp những người mang nặng đầu óc hận thù khai sáng, giải thoát bản thân.

Trước hết phải khẳng định hòa giải, hòa hợp dân tộc là một trong những quan điểm cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên quan điểm đó, Người yêu cầu: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ” [1].  Và "Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị" [2].

Người đưa ra hình ảnh đơn giản nhưng cũng rất sinh động và thuyết phục: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đầu hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc... có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang” [3].

Với các quan điểm trên đây và nhiều hơn nữa, Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc phải là tư tưởng chiến lược, xuyên suốt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, chứ không phải là một thủ đoạn chính trị và cũng không phải là sách lược trong một tình huống, hoàn cảnh cụ thể nào đó.

Do đó, cần phải nhất quan quan điểm hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc vừa là nền tảng vừa là mục tiêu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người cũng chỉ ra rằng: "Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn" [4]; "Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà". [5]

Sau khi thực hiện đường lối Đổi mới, quan điểm về hòa giải, hòa hợp dân tộc tiếp tục được Đảng ta bổ sung, phát triển. Trong đó nổi bật là:

Đại hội Đảng IX (Tháng 4/2001) khẳng định: “Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng... mọi thành viên trong đại gia đình Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài”.

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị (ngày 26/3/2004) về công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã nhấn mạnh: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội...”.

Đại hội Đảng XII tiếp tục khẳng định: “tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”. [6]

Như vậy, quan điểm về hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhất quán và xuyên suốt.

Cho nên những ai không vượt qua được sự khác biệt về ý thức hệ, mà vẫn nuôi lòng hận thù, gây hiềm khích trong lòng dân tộc, không chấp nhận những biểu đạt trái chiều thì dù họ là ai cũng đều có thể khẳng định đó là những người mang bản tính hẹp hòi, ích kỷ, đặt lợi ích của bản thân, của phe nhóm lên trên lợi ích của quốc gia dân tộc.

Những người nuôi lòng hận thù, gây chia rẽ dân tộc cần phải hiểu rằng với bất kỳ một đất nước nào, quốc thái dân an luôn là nền tảng cho sự phát triển bền vững và đó cũng là khát vọng của mọi người dân yêu nước. Nhưng để có quốc thái dân an, trước hết phải có tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc.  

Nguyễn Huy Viện

Chú thích:

[1], [2], [4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.9, tr 244.

[3]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.280-281

[5]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.3, tr.217.

[6]. ĐCSVN -Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 158, 159.

Quốc gia hùng cường cần tư tưởng truyền cảm hứng

Những thành công lãnh đạo rực rỡ của Đảng trong thế kỷ 20 đều gắn với những tư tưởng truyền cảm hứng, đáp ứng được khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.