LTS: TS Trần Đình Thiên tiếp tục cuộc thảo luận với Tuần Việt Nam về khát vọng vươn lên của đất nước, sánh vai các quốc gia văn minh, tiên tiến và hiện đại.

Nuôi dưỡng khát vọng

Thưa ông, các nhà lãnh đạo Việt Nam trong nhiều thời kỳ đã luôn nói đến khát khao cháy bỏng đưa đất nước vươn lên. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích kinh tế, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo mà thế giới ca ngợi. Ông nhìn nhận như thế nào về khát vọng đó hiện thời?

Không chỉ lãnh đạo, người Việt Nam luôn có khát khao vươn lên. Đó là khí phách, là niềm tự tôn của người Việt, chúng ta không muốn tụt hậu, chúng ta muốn so với cường quốc.

Khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến khát vọng của dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Lúc đó, Việt Nam vừa giành độc lập, vừa được định vị trên bản đồ thế giới. Đặt ra khát vọng sánh vai với các cường quốc, Bác Hồ còn đặt ra nền tảng khác cho đất nước phát triển, đó là phải đi cùng với xã hội văn minh, sánh vai về kinh tế, về xã hội, về tổ chức nhà nước, bên cạnh khát vọng tự do và độc lập.

Thế hệ ngày nay vẫn nuôi dưỡng khát vọng đó. Nhiều lãnh đạo đã nói về điều này, các văn bản chính thức đặt ra các mục tiêu rõ ràng để phấn đấu. Báo cáo Việt Nam 2035 cũng so sánh Việt Nam với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… những nền kinh tế phát triển hơn, để thấy khoảng cách phát triển đang doãng xa dần. Đề ra các việc cần làm để thu hẹp khoảng cách, để thấy áp lực tụt hậu xa hơn đang hiển hiện, chứ không so với những nền kinh tế chúng ta có thể vượt qua dễ dàng.

Nói một cách thẳng thắn, chúng ta nói tới khát vọng vươn lên nhưng ý thức về cuộc đua tới thịnh vượng này chưa thực sự đầy đủ. Tôi cho là phải tư duy lại một cách rõ ràng về yêu cầu bắt kịp với nền kinh tế của thế giới.

Trong bối cảnh Covid-19 làm thay đổi các chuỗi giá trị, đây là cơ hội để chúng ta tư duy lại và vươn lên.

Cơ hội bắt kịp thế giới rất lớn nếu thực sự cơ cấu lại nền kinh tế.

{keywords}
TS Trần Đình Thiên trong một lần đi khảo sát ở địa phương

Đâu là những cơ hội mà ông thấy chúng ta có thể tận dụng, nắm bắt?

Trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội bắt kịp với thế giới rất lớn nếu chúng ta thực sự cơ cấu lại nền kinh tế. Chúng ta không thể cứ phát triển nhờ khai thác tài nguyên, phát triển công nghiệp gia công, thu hút đầu tư nhờ thâm dụng lao động. Phân bổ nguồn lực phải thông qua thị trường thay vì mệnh lệnh hành chính để đảm bảo hiệu quả.

Ngay thời điểm này, chúng ta vẫn đang bàn về một cơ chế của nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, cho phép doanh nghiệp và người dân phát triển đàng hoàng.

Hơn 35 năm trước, Việt Nam chấp nhận chuyển sang cơ chế thị trường trong điều kiện những văn hóa, tư duy tích lại từ mấy ngàn năm phong kiến, trong tình thế đất nước vừa bước ra khỏi các cuộc chiến tranh kéo dài liên miên, thay đổi không hề dễ dàng.

Nhờ đó, không gian phát triển khác hình thành, chuyển từ không gian tự cấp, tự túc, tem phiếu, mở ra thị trường - dù chưa triệt để, vẫn còn xin - cho. Sự thay đổi đó tạo nên sự hứng khởi ghê gớm trong xã hội. Vì thế, lúc này là cơ hội để hoàn thành thị trường.

Chúng ta đã mở rộng cửa với thế giới để mời vào những người bạn, đối tác có thể giúp Việt Nam tiến nhanh hơn.

Kinh tế số đưa cơ hội sánh vai với cường quốc của Việt Nam là không giới hạn. Bài toán phải giải được của Việt Nam lúc này là năng lực bước vào quỹ đạo công nghệ cao, số hóa... Đại dịch Covid-19 cho ta cách tiếp cận mới, đó là không thể trở lại giai đoạn bình thường cũ. Tư duy đó đang hình thành.

Thay đổi tư duy ‘thầy đồ’ bằng nền giáo dục thúc đẩy sáng tạo

Covid-19 đang làm chậm lại mọi kế hoạch, làm đình đốn lại bao chương trình. Vì sao ông nghĩ nền kinh tế tiếp tục chuyển đổi được?

Covid-19 đang buộc chặt mọi người ở nhà, e dè với các kế hoạch thông thương, mở cửa biên giới nhưng cũng nhờ đó, cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân lại có cơ hội rất tốt chuyển sang kinh tế số, ứng dụng công nghệ cao.

Chính phủ điện tử đang hành động mạnh mẽ, quyết liệt với một núi chương trình nghị sự. Doanh nghiệp, người dân hào hứng với công nghệ mới, cách giao tiếp điện tử, năng lực giám sát năng lực, chất lượng được cải thiện. Xã hội thông tin phát triển với không gian rộng rãi, cho cá nhân phát huy năng lực.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Đây là thời điểm chúng ta bắt đầu thực hiện các cam kết trong CPTPP, EVFTA - những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là nền tảng cho tự do hóa gần như tuyệt đối, cạnh tranh khắc nghiệt, đồng nghĩa với việc thể chế, hệ thống pháp luật, quản trị nhà nước sẽ thay đổi mạnh mẽ theo chuẩn mực cao nhất của thế giới.

Ở chiều ngược lại, những thay đổi tiêu chuẩn, quy trình sản xuất buộc doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, thay đổi cách làm ăn, không có chỗ cho tư duy tiểu nông...

Những thay đổi theo hướng chuẩn mực cao sẽ tạo cho Việt Nam thế mặc cả trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Nếu như 30 năm vừa qua, chúng ta mong FDI vào thì hiện tại, chúng ta có thể lựa chọn những dự án, nhà đầu tư phát huy lợi thế của Việt Nam, để phù hợp với yêu cầu phát triển của mình.

Tuy nhiên, đáng tiếc là có nhiều việc chúng ta có cơ hội đẩy nhanh hơn, nhưng chưa làm. Ví dụ, trong giáo dục, đào tạo vẫn còn tư duy “thầy đồ” mà lẽ ra cần phải thay đổi bằng một nền giáo dục thúc đẩy sáng tạo, tự do học thuật.

Khoa học - công nghệ ở nhiều nơi vẫn có tính chất trang trí chứ chưa được coi là là trụ cột hay động lực của phát triển của nền kinh tế lúc này.

Có điểm sáng là khu vực doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với sức sống mạnh mẽ, rõ nét đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Tầng lớp doanh nghiệp dân tộc

Trong bức tranh về thành quả của Đổi mới, doanh nghiệp tư nhân hiện lên như thế nào, thưa ông?

Doanh nghiệp tư nhân là một lực lượng hoàn toàn mới, là sản phẩm của cơ chế thị trường. Trước năm 1986, ta chỉ có nông dân, xí nghiệp quốc doanh, tiểu thương.

Chính lực lượng doanh nghiệp cùng với cơ chế thị trường đã làm thay đổi cấu trúc của nền kinh tế.

Nhưng sau gần 35 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có lực lượng doanh nghiệp Việt Nam mạnh mẽ, có khả năng tận dụng các cơ hội mà đổi mới, mở cửa đem lại. 96% doanh nghiệp là nhỏ, siêu nhỏ rất khó để đấu với thế giới.

Tôi nghĩ, nếu Việt Nam có nhiều tỷ phú đô la, nhiều doanh nghiệp lớn thì lúc này chúng ta có thể nói nhiều hơn về những thành quả của đất nước, về cơ hội bắt kịp với thế giới và để có thể dành nhiều hơn lời khen ngợi, tự hào dành cho những doanh nhân như bà Thái Hương, ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Bá Dương...

Ông nhìn nhận thế nào khi nhiều doanh nhân người Việt đã được đưa vào bảng xếp hạng tỷ phú đô la do tạp chí Forbes công bố?

Tôi đã hỏi một số doanh nhân, nhưng có vẻ như họ không muốn chia sẻ về điều đó, thậm chí nếu giấu được thì tốt.

{keywords}
Phải lựa chọn FDI chất lượng, đẳng cấp chứ không thu hút bằng mọi giá

Có lẽ do cơ chế thị trường còn méo mó, chưa thực sự thị trường, nên chúng ta đang có một cấu trúc doanh nghiệp cũng méo mó, khó lớn, không muốn lớn, khó kết nối thành chuỗi, khó lan tỏa.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu mà các doanh nghiệp FDI mang đến Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn đứng chơ vơ bên ngoài.

Không phải doanh nghiệp không thấy sự yếu kém mà chính hệ thống của ta không tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển doanh nghiệp theo nghĩa phát triển thành lực lượng, vẫn để doanh nghiệp tự phát đến đâu hay đến đó, buộc doanh nghiệp lớn lên bằng khai thác tài nguyên, quan hệ thân hữu.

Đảng đã nhận diện rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân, xác định là lực lượng quan trọng của kinh tế thị trường. Cách tiếp cận của Đảng với khu vực FDI cũng thay đổi theo nghĩa phải lựa chọn FDI chất lượng, đẳng cấp chứ không thu hút bằng mọi giá. Nhận diện, định hướng rất sớm về khoa học, công nghệ trong thời đại 4.0 cũng là lựa chọn cho thành công.

Thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh phải tốt để doanh nghiệp Việt Nam mạnh lên, có năng lực liên kết với các doanh nghiệp FDI lớn. Khi đó, “tổ đại bàng” là nơi doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI chia sẻ lợi ích chứ không phải nơi mà khu vực FDI chiếm lĩnh.

Tôi thấy đau đáu một điều là tiềm năng về con người, chất xám của Việt Nam vẫn chưa được kích hoạt do tư duy giáo dục, đào tạo vẫn rất cũ, giáo điều, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Khởi nghiệp sáng tạo

Việt Nam đang nỗ lực thiết lập một không gian tốt để gieo mầm khởi nghiệp, sáng tạo. Ông có đồng tình?

Năng lực sáng tạo của người Việt là mạnh mẽ. Chiến thắng của Việt Nam trong chương trình Robocon; các ý tưởng, phát kiến về robot trong mùa dịch... là minh chứng.

Nhưng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, chúng ta cần môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, chấp nhận sáng tạo, thay vì tư duy kinh nghiệm; các thị trường lao động, khoa học - công nghệ, lương, nhân công cần được phát triển ở nấc thang cao hơn. Quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ phải được đảm bảo. Tất nhiên, cần lực lượng doanh nghiệp mạnh để dẫn dắt cuộc chơi này.

Một cách dễ hiểu, nếu cơ chế ủng hộ phát triển xi măng, sắt thép, chênh lệch địa tô… thì sẽ không có chỗ cho khởi nghiệp sáng tạo, bởi cơ chế động lực của sắt thép, xi măng là đất đai, là năng lượng; còn của đổi mới, sáng tạo là chấp nhận sự khác thường của các ý tưởng, sự điên rồ hay bay bổng của tư duy.

Không có doanh nghiệp lớn không thể có khởi nghiệp, sáng tạo vì họ chính là các nhà đầu tư mạo hiểm, họ có tiền, sẵn sàng chấp nhận đầu tư 10, thua lỗ 9 để kích hoạt, nâng đỡ các mầm mống của kỳ lân, những ý tưởng khác thường.

Chúng ta phải thu hút được người Việt Nam ở nước ngoài vì họ là nguồn lực vô cùng quan trọng, có năng lực sáng tạo và khả năng kết nối mạng lưới. Họ chính là những người sẽ kéo các cuộc chơi trí tuệ, kéo thế giới đến Việt Nam.

Lan Anh

Thương hiệu quốc gia: Tầm nhìn chung vì lòng tự hào ‘Tôi là người Việt Nam’

Thương hiệu quốc gia: Tầm nhìn chung vì lòng tự hào ‘Tôi là người Việt Nam’

Thương hiệu quốc gia sẽ giúp dựng nên một ngọn cờ mới tập trung toàn thể người Việt khắp thế giới cùng hướng về một tầm nhìn chung.