Theo đó, các tế bào cảm quang trong võng mạc có thể phản ứng với ánh sáng 5 giờ sau khi một người tử vong. Các thử nghiệm cho thấy các tế bào trên đã gửi tín hiệu giống với tín hiệu được ghi lại từ sinh vật sống.
Những tế bào thần kinh trong võng mạc tạo thành một phần của hệ thần kinh trung ương, bao gồm não và tủy sống.
Phát hiện của nhóm tác giả người Mỹ được công bố trên tạp chí Nature, làm tăng hy vọng các tế bào thần kinh trung ương khác cũng có khả năng được phục hồi trong tương lai.
Nghiên cứu của họ đặt ra câu hỏi liệu chết não, như định nghĩa hiện nay, có thực sự không thể đảo ngược được hay không.
Các chuyên gia thiết kế một bộ phận đặc biệt khôi phục oxy và chất dinh dưỡng cho mắt 20 phút sau khi được lấy ra từ một người hiến tặng đã qua đời.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Fatima Abbas, từ Đại học Utah (Mỹ), cho biết: 'Chúng tôi đã đánh thức được các tế bào cảm thụ ánh sáng trong điểm vàng của mắt. Đây là một phần của võng mạc, đóng vai trò quan trọng trong việc thu nhận hình ảnh, nhận biết màu sắc, độ sắc nét của hình ảnh”.
“Những tế bào này phản ứng với ánh sáng chói, đèn màu và thậm chí cả những tia sáng rất mờ”.
Đây là bước tiến xa hơn so với nghiên cứu của Đại học Yale năm 2019 khi khởi động lại não của 32 con lợn đã chết được 4 giờ. Nhóm của Yale đã thất bại trong việc hồi sinh hoạt động của các tế bào thần kinh.
Tiến sĩ Frans Vinberg, Đại học Utah, cho biết: “Chúng tôi có thể làm cho các tế bào võng mạc hoạt động giống như trong mắt sống”.
Nhóm tác giả hy vọng bước đột phá này có thể tăng tốc các liệu pháp điều trị mới cho chứng mất thị lực và nâng cao hiểu biết về các bệnh não.
Tiến sĩ Vinberg nói thêm, họ mong muốn quá trình hỗ trợ đôi mắt sau khi hiến tặng được sử dụng trong những nghiên cứu khác và sẽ có nhiều người được truyền cảm hứng để hiến tặng đôi mắt của mình cho khoa học.
Chết não là tình trạng não của một người ngừng hoạt động do nguồn cung cấp oxy hoặc máu bị ngưng.
Theo luật của Vương quốc Anh, điều này có nghĩa người đó đã chết vì họ sẽ không bao giờ tỉnh lại mặc dù tim và phổi của họ vẫn tiếp tục hoạt động với sự hỗ trợ của công nghệ y tế như máy thở.
An Yên (Theo Daily Mail)