Cuộc “chạy đua” của những chiến sĩ áo trắng

Ngày thứ tư sau khi được ghép tim thành công, anh M.S.H. (37 tuổi, quê ở Quảng Bình) đã có những chuyển biến tích cực, quả tim mới đã hoạt động bình thường trong lồng ngực nam bệnh nhân này.

Quả tim của người hiến tặng cùng lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, đội ngũ y, bác sĩ vượt hơn 1.000 km từ TP.HCM ra Huế

Trước đó, anh H. mắc bệnh suy tim và mất 4 năm chờ đợi để tìm được nguồn tạng phù hợp. GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ, ca ghép tim cho bệnh nhân H. là một sự kiện đặc biệt vì trong một ngày, ê-kíp bác sĩ của bệnh viện phải thực hiện 3 ca ghép tạng ở 2 nơi cách xa nhau hơn 1.000 km.

“Ca ghép tim lần này của bệnh viện đã xác lập 2 kỷ lục mới. Đó là thời gian lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất”, GS.TS Hiệp cho biết.

BS CKII Trần Hoài Ân - Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế) kể lại, ngày 6/5, đoàn chuyên gia Bệnh viện Trung ương Huế đang tiến hành hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) sẽ cùng các y, bác sĩ của bệnh viện này tiến hành 2 ca ghép thận cho bệnh nhân.

“Từ 6h sáng, chúng tôi bắt đầu việc ghép thận cho ca bệnh thứ nhất. Tới khi chuẩn bị ghép thận cho ca bệnh thứ 2 thì đó cũng là thời điểm phải tiến hành lấy tim từ người hiến tặng (đã được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo điều phối trước đó). 

Đoàn chuyên gia Bệnh viện Trung ương Huế khi ấy phải phân chia nhân lực để vừa đi lấy tim vận chuyển về Huế ghép cho bệnh nhân kịp thời gian, vừa cùng các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương phẫu thuật cho ca bệnh thứ 2”, bác sĩ Ân chia sẻ.

Trước đó, ê-kíp Bệnh viện Trung ương Huế chạy đua với thời gian để mổ, lấy tim từ người hiến tặng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Lúc 10h47 ngày 6/5, quả tim từ người hiến tặng rời khỏi lồng ngực và được bảo quản nghiêm ngặt, lên đường ra sân bay vượt hơn 1.000 km đưa ra Huế để kịp thời ghép cho bệnh nhân H.

Đối với các quốc gia phát triển, ngành y tế vận chuyển tạng bằng trực thăng. Việt Nam vận chuyển tạng ghép bằng hình thức dùng máy bay dân dụng. 

Một khó khăn của việc vận chuyển là các chuyến bay có giờ cố định. Các thành phố lớn 30 phút có 1 chuyến, còn Huế một ngày được vài chuyến. 

Vì vậy phải tính toán làm sao lúc lấy tim thật sát giờ bay để quả tim nhận ở TP.HCM về Huế trong thời gian ngắn nhất.

Đây có thể là trường hợp đặc biệt khi sáng ê-kíp thực hiện ca ghép thận ở TP.HCM, chiều lại ghép tim ở Huế. 

"Sự kiện này như một cuộc chạy đua về thời gian, không gian của những chiến sĩ áo trắng. Thông thường, các bác sĩ sẽ ghép thận hoặc ghép tim chứ ít ai phải thực hiện 2 ca trong một ngày”, bác sĩ Ân chia sẻ.

Giây phút vỡ òa hạnh phúc

Đúng 13h32 ngày 6/5, quả tim của người hiến tặng và các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế xuống sân bay Phú Bài (tỉnh TT-Huế). Toàn bộ ê-kíp nhanh chóng đưa quả tim di chuyển về Trung tâm Tim mạch để thực hiện phẫu thuật ghép tạng cho bệnh nhân H.

Sau 1 giờ 20 phút phẫu thuật, tim đã đập lại trong lồng ngực người nhận tạng. Theo dõi diễn tiến sau đó, các chỉ số của tạng hoạt động ổn định và sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt.

Sức khỏe của bệnh nhân H. hồi phục tốt, quả tim hoạt động ổn định sau khi được ghép

Theo bác sĩ Ân, mổ ghép tim là một kỹ thuật hết sức phức tạp, đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau như phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê, hồi sức, bác sĩ chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, kể cả điều dưỡng hồi sức sau mổ.

Một khâu quan trọng khác là điều dưỡng chăm sóc hồi sức bệnh nhân chết não, tuy bệnh nhân chết nhưng phải chăm sóc đúng quy trình lúc đó mới lấy được tim. 

Ngoài các nhóm thực hiện trực tiếp như vậy còn có hệ thống xét nghiệm, phòng xét nghiệm đủ điều kiện để xác định các chỉ số thận, gan bệnh nhân có thể chịu được cuộc ghép hay không.

Một khó khăn nữa là các bệnh nhân đợi ghép tim phần lớn điều trị ngoại tuyến, ở xa nhưng Bệnh viện Trung ương Huế đã lên danh sách cũng như chuẩn bị, sắp xếp lịch mổ hết sức khoa học, bài bản nên đảm bảo được thời gian mổ theo quy định.

Với thành tích xuất sắc trong ca ghép tim xuyên Việt, lãnh đạo cùng ê-kíp Bệnh viện Trung ương Huế được UBND tỉnh tặng Bằng khen

Ngoài ra, đối với những ca ghép tạng liên tục như trên, ngoài chuyên môn nghiệp vụ, các cá nhân trong ê-kíp phải có sức khoẻ thật tốt bởi thời gian bắt đầu lấy tim, vận chuyển và thực hiện phẫu thuật có thể kéo dài nhiều giờ đồng hồ.

“Sau quá trình dài cùng sự cố gắng của tất cả các bộ phận và sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc bệnh viện, khi thấy quả tim người hiến đập trong lồng ngực của người nhận tất cả đều vỡ oà, vui mừng, bao nhiêu mệt mỏi căng thẳng đều được giải toả”, bác sĩ Ân chia sẻ.

Quang Thành