Ngày 28/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2. Nghị quyết nêu rõ, năm 2022, Chính phủ tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm xứng tầm với một trong ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Không quy định tổ chức bộ máy trong luật

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tập trung, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực quản lý; phát hiện các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề mới phát sinh cần điều chỉnh, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi để phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng mong muốn của nhân dân, tăng khả thi của pháp luật.

Trong quá trình soạn thảo các dự án luật cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan; lấy ý kiến đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để truyền thông kịp thời, tăng cường sự phản biện trong xã hội, tạo đồng thuận trong quá trình xây dựng, trình, ban hành văn bản pháp luật.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2

Chính phủ quyết nghị một số nội dung về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); đề nghị xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); về đề nghị xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) …

Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung của dự án luật do Thanh tra Chính phủ trình. Việc xây dựng, ban hành này là cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Thanh tra hiện hành, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra nhà nước.

Từ đó, đáp ứng yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ yêu cầu hoàn thiện dự án luật bảo đảm rõ ràng, minh bạch, giảm thiểu tối đa nguy cơ chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống trong hoạt động thanh tra... Trong đó Chính phủ lưu ý nguyên tắc, không quy định tổ chức bộ máy trong luật.

Việc thành lập thanh tra chuyên ngành, thanh tra cấp tổng cục, cục trực thuộc bộ, Thanh tra sở cần quy định linh hoạt; giao Chính phủ, Thủ tướng thành lập hoặc phân quyền cho UBND cấp tỉnh thành lập theo yêu cầu quản lý và tổng biên chế được giao.

Hoạt động thanh tra không chỉ theo nguyên tắc ở đâu có quản lý nhà nước ở đó có thanh tra, mà ngay cả một số cơ quan nhà nước không có chức năng quản lý nhà nước nhưng nếu cần cũng có thể có thanh tra để thực hiện chức năng tổ chức thi hành pháp luật có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, dự án luật không quy định cụ thể việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nội dung này quy định mang tính nguyên tắc linh hoạt, bao quát theo hướng Chính phủ quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác ở Trung ương và địa phương có chức năng, nhiệm vụ đặc thù trong tổ chức thi hành pháp luật; đồng thời, Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Triệt để đấu thầu qua mạng để giảm thủ tục, hạn chế tiêu cực

Về đề nghị xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu, bảo đảm đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, pháp luật liên quan về đấu giá đất, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, quy định áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật và khả thi.

Trong đó, quy định đơn giản hóa quy trình, thủ tục hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu, bảo đảm tính độc lập, khách quan, cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả; quy định rõ thẩm quyền, cá thể hóa trách nhiệm của thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; thực hiện triệt để đấu thầu qua mạng để giảm thủ tục, hạn chế tiêu cực trong đấu thầu.

Đồng thời, rà soát quy định nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu, bảo đảm ngăn chặn hiệu quả, triệt để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, quy định rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm thực hiện gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát.

Cùng đó là hoàn thiện hệ thống chế tài, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật đấu thầu; hoàn thiện quy định về công bố thông tin công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình, bao gồm cả thông tin về vi phạm pháp luật đấu thầu của tổ chức, cá nhân.

Về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất quan điểm về các vấn đề lớn của dự án luật; giao Bộ Công Thương tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến tham vấn các cơ quan liên quan, xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, hoàn thiện dự án luật bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án luật trình Quốc hội.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ hoàn thiện dự án luật.

Thu Hằng

Thanh tra việc xử lý sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức tại Quảng Ngãi

Thanh tra việc xử lý sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức tại Quảng Ngãi

Thanh tra Bộ Nội vụ thanh tra nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ tại UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có việc xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức giai đoạn 2019 - 2021.