Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn người tham gia giao thông ở Đắk Lắk mới chủ yếu thực hiện ở bề nổi, chưa tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia giao thông có nguy cơ cao, như thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…. Trong khi đó, nội dung tuyên truyền vẫn nặng về lý thuyết, thiếu việc huấn luyện những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cách xử lý tình huống thực tế khi có sự cố, va chạm và tai nạn xảy ra.

cong an huyen cam xuyen ha tinh tuyen truyen luat giao thong cho hoc sinh tren dia ban.png

Để góp phần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho người dân, ngành Công an tỉnh Đắk Lắk đã tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT. 

Theo đó, ngành Công an đã gắn công tác tuyên truyền với các công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông như tuần tra xử lý vi phạm, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, đăng ký xe… 

Đồng thời, giảm bớt các bài lý thuyết, hướng tới việc tuyên truyền thông qua các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố, va chạm hoặc tai nạn giao thông xảy ra…

Trong đó, tập trung chú trọng tuyên truyền cho tầng lớp thanh thiếu niên, cụ thể là học sinh, sinh viên tại các trường học, một trong những nhóm đối tượng tham gia giao thông cao. 

Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan Công an phối hợp với ngành Giáo dục và các địa phương trong tỉnh thành lập các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại một số các trường học trên địa bàn, như mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” ở trường THCS Hoàng Diệu (xã Cư Prông), trường Tiểu học và THCS Lý Tự Trọng (xã Ea Sô), THCS Phan Đình Phùng (xã Ea Ô) ở huyện Ea Kar; mô hình ở trường Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến (phường Thành Nhất) ở TP Buôn Ma Thuột…

Mỗi mô hình có trên 10 thành viên, do lãnh đạo UBND các xã làm tổ trưởng và có sự tham gia của trưởng các ban ngành, đoàn thể, công an xã, ban giám hiệu các trường học.

Các đơn vị đã ký kết quy chế phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhắc nhở phụ huynh, học sinh, người dân thực hiện nghiêm các quy định về đậu đỗ phương tiện, không chở quá số người quy định, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán gây mất trật tự công cộng…

Thông qua mô hình góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Văn Quý và nhóm PV, BTV