Như đã đưa tin, chiều 14/6, Công an huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) cho hay, đã ra quyết định xử phạt đối với ông T.V.C. (SN 1993, trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu) 7,5 triệu đồng vì đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc tại Đắk Lắk.

Ông T.V.C. thừa nhận, đã đăng tải lên tài khoản cá nhân những nội dung không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng, xúc phạm uy tín của chính quyền địa phương và lực lượng công an. Sau khi làm việc tại cơ quan công an, ông T.V.C. đã gỡ bỏ bài viết và đăng thông tin cải chính.

Trong một diễn biến khác, Công an TP HCM vừa xử phạt hành chính ông N.H.A.D (56 tuổi, ngụ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) 7,5 triệu đồng vì đăng tải nội dung sai sự thật về vụ việc một nhóm người tấn công trụ sở UBND xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Công an TP.HCM mời làm việc với ông N.H.A.D. Ảnh: CA

Cơ quan chức năng xác định, hành vi của ông D. đã vi phạm điểm d, khoản 1, điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP). 

Cơ quan công an đã khuyến cáo người dân tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự.

Việc đưa thông tin trên mạng xã hội sai sự thật, gây hoang mang dư luận sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu việc đăng tải gây tác động, hậu quả ở mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, những sự việc tương tự đã xảy ra ở nhiều nơi. TTXVN ngày 16/6 cho hay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố phát hiện, xử lý hơn 100 trường hợp đăng tải các thông tin xấu, độc liên quan đến vụ việc nhóm người tấn công trụ sở UBND xã trên địa bàn tỉnh.

Các trường hợp vi phạm chủ yếu là chia sẻ lại thông tin từ các trang Facebook, Tiktok... của các cá nhân với mục đích tương tác trên mạng xã hội. Sau khi được giải thích, các trường hợp đã nhận ra hành vi sai phạm, tự gỡ bỏ bài đăng và viết cam kết không tái phạm.

Hành vi vi phạm pháp luật

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường phân tích: Hành vi đưa thông tin bịa đặt, xuyên tạc lên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với việc đưa thông tin trên không gian mạng, người cung cấp, chia sẻ thông tin phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn mạng, không vi phạm các điều cấm của pháp luật về thông tin truyền thông, về an ninh mạng.

Luật sư cho hay, điều 8, điều 16, điều 17 Luật an ninh mạng quy định, cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây: 

Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Nghiêm cấm các thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự…

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp hành vi đưa thông tin sai sự thật mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức.