XEM CLIP:
Dù ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã bác bỏ thông tin lan truyền trên mạng về việc đóng cửa toàn TP, đồng thời khẳng định đây là thông tin sai sự thật, nhưng sáng và trưa nay (14/7), hàng loạt cửa hàng tiện lợi, siêu thị lớn tại khu vực Gò Vấp, Bình Thạnh rất đông người dân đến chờ đợi để mua nhu yếu phẩm.
Hầu hết các cửa hàng, siêu thị đều yêu cầu khách đến khai báo y tế, cũng như đo thân nhiệt, đồng thời giữ khoảng cách, nhưng do khá đông nên tình hình nhiều nơi khó kiểm soát.
Người dân xếp hàng chờ vào mua sắm tại siêu thị Big C |
Theo chia sẻ của chị Tuyền (Gò Vấp) - người đến mua sắm tại siêu thị Big C ở chân cầu vượt Nguyễn Kiệm, chị và mẹ đợi hơn 1 tiếng, nhưng vẫn chưa tới lượt để vào trong, vì mỗi lần chỉ cho 5 khách vào.
Tình trạng này cũng diễn ra ở các siêu thị khác như Coop Mart (Phan Văn Trị) hay các cửa hàng tiện lợi trong khu vực Nguyễn Văn Công, chợ Tân Sơn Nhất...
Hàng trăm người dân TP.HCM đội nắng xếp hàng đi siêu thị |
Người dân ngồi chờ trước cửa siêu thị để vào lần lượt theo sự sắp xếp của nhân viên |
Khai báo y tế |
Kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế tại siêu thị Coop Mart Phan Văn Trị |
Trước siêu thị Big C Gò Vấp |
Chợ truyền thống Tân Sơn Nhất vẫn đóng cửa |
Tại một cửa hàng BXH trên đường Nguyễn Văn Công |
Người dân tay xách nách mang sau khi "càn quét" siêu thị |
Tại khu vực quanh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), mặc dù cách đây ít ngày chợ này đã đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng một số gian hàng của tiểu thương vẫn còn hoạt động bên trong và đưa hàng hóa ra bên ngoài bán.
Lượng người tụ tập tại các địa điểm này rất đông, không đảm bảo yêu cầu giãn cách theo như Chỉ thị 16.
Tập trung đi chợ không đảm bảo giãn cách tại chợ Bà Chiểu |
“Tôi đứng chờ ở đây trong khi bà xã qua bên đường mua ít hải sản, đợi được gần 1 tiếng rồi”, ông Quốc Tuấn (quận Bình Thạnh) cho biết.
Ông Tuấn thấy lạ khi ngày hôm nay người dân ra đường đi chợ đông hơn hẳn từ khi thành phố áp dụng giãn cách.
Cách khu vực chợ không xa, dãy dài người xếp hàng chờ vào mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi. Do hầu hết các cửa hàng này chỉ cho mỗi lượt 2 người vào khi có 2 người bên trong ra, nên thời gian chờ đợi của người dân càng kéo dài.
Người dân xếp hàng đi siêu thị trưa 14/7 |
Cửa hàng tiện lợi trên đường Phan Văn Trị đông bất thường |
Dọc tuyến đường Phan Văn Trị nối từ quận Bình Thạnh tới Gò Vấp, các cửa hàng tiện lợi cũng trong tình trạng tương tự, dòng người xếp hàng giữa trưa nắng đông bất thường.
Siêu thị Emart (quận Gò Vấp) là nơi có diện tích rất lớn, nhưng tại các cửa ra vào, dòng người đã kéo dài.
Tại cửa ra vào bãi gửi xe, lượng xe máy xếp hàng tập trung ùn lại khá đông. Mặc dù bảo vệ siêu thị thông báo với khách quay lại sau 3 tiếng nữa, nhưng vẫn rất nhiều người cố nhẫn nại chờ ở cửa.
Cổng siêu thị Emart (quận Gò Vấp) |
Nhiều người chờ đợi tại cửa ra vào bên trong siêu thị Emart |
Người dân mua hàng về khá nhiều |
“Tôi nghe thông tin trên mạng sắp siết chặt hơn quy định giãn cách nên tranh thủ qua đây mua đồ”, chị Phạm Ngọc Lan (quận Gò Vấp) cho biết.
Chị Quỳnh Chi (quận Gò Vấp) chia sẻ: “Sáng nay đi mấy cửa hàng tiện lợi đều hết nên tôi phải chạy qua đây, nhà hết sạch rau xanh rồi. Ai ngờ giãn cách mà đi chợ vẫn đông quá”.
Do bên trong quá đông nên nhân viên tạm đóng cửa để không tiếp nhận thêm người vào mua hàng và hẹn 3 tiếng sau quay lại |
Mặt khác, những người ở trong siêu thị này khi đi ra, ai cũng mua khá nhiều hàng hóa, nhiều xe máy phải chở hàng về trong tình trạng cồng kềnh.
“Bên trong còn hàng nhưng đông”, một người vừa vào được bên trong siêu thị cho biết.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc TP.HCM sẽ thực hiện đóng cửa toàn thành phố (lockdown) dẫn đến khan hiếm thực phẩm nên kêu gọi người dân tụ tập mua sắm, tích trữ hàng hóa.
Ngoài thông tin nêu trên, mạng xã hội cũng loan tin cho rằng lãnh đạo thành phố bị nhiễm Covid-19.
Trước những thông tin lan truyền, thiếu kiểm chứng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM khẳng định những thông tin nêu trên đều là sai sự thật, xuyên tạc.
Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng cho biết, lãnh đạo thành phố đang tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Trưa nay, TP.HCM thêm 971 bệnh nhân, trong đó, có 888 trường hợp ở khu cách ly, khu vực đã phong tỏa; 83 ca đang được điều tra dịch tễ.
Đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng số 18.210 ca tính riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4). Riêng từ tối hôm qua tới trưa nay, địa phương đã có 1.637 bệnh nhân mới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính quyền TP.HCM đã quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ trên toàn thành phố từ 0h ngày 9/7.
Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh;
Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định;
Mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy…
Giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...
Duy Linh - Quảng Định - Đình Tuyến
Thông tin đóng cửa toàn TP.HCM là tin đồn sai sự thật
TP.HCM bác bỏ tin đồn về việc sẽ thực hiện đóng cửa toàn thành phố (lockdown), đồng thời khẳng định, thông tin cho rằng lãnh đạo thành phố bị nhiễm Covid-19 là sai sự thật.