Trong cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp "Người tù của Khmer Đỏ" cố quốc vương Campuchia Norodom Shihanouk (1922-2012) đã viết về những trải nghiệm và suy nghĩ của ông về Khmer Đỏ.
Ông viết: "Tôi, Sihanouk, tôi đã tìm cách để không xảy ra tai hoạ đó trong việc làm cho những người hàng xóm láng giềng của chúng ta tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta sau khi họ đã rõ ràng chiến thắng đạo quân viễn chinh của Mỹ và lũ tay sai. Khmer Đỏ lại nghĩ khác. Họ muốn đánh phủ đầu Việt Nam mà họ gọi là “kẻ thù truyền kiếp”.
Quả là Khmer Đỏ cứ tưởng mình vô địch, muốn làm gì cũng được. Khmer Đỏ là những kẻ sùng bái Mutsolini và Hitler. Khmer Đỏ cứ tưởng mình khỏe hơn phát xít. Chính Pol Pot đã tuyên bố rất nghiêm túc, không chút khôi hài: “Việt Nam quá yếu. Một mình Việt Nam không dám đọ sức với ta đâu?”. Chính vì vậy, Khmer Đỏ đã tự chui mình vào cạm bẫy của chính họ".
Đội quân giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng |
Quốc vương vui mừng viết rằng: "Cuộc tấn công chớp nhoáng của những người lính thiện chiến của Hà Nội đánh vào Phnom Penh tháng 1/1979 đã có hiệu quả là giải phóng được một bộ phận trong gia đình đông đảo con cháu của tôi”. Trong gia đình quốc vương, đã có tới gần hai chục người, các con, cháu của ông đã bị Khmer Đỏ đưa ra khỏi Phnom Penh, bị sát hại và mất tích.
Với Thủ tướng Hun Sen, người cũng từng được cất nhắc lên hàng ngũ lãnh đạo cấp sư đoàn trong quân đội Pol Pot khi mới có 24 tuổi nhưng cũng đã trốn sang Việt Nam tìm sự giúp đỡ để tiêu diệt chế độ diệt chủng đó, ông cũng luôn ghi nhớ công ơn của quân đội và nhân dân Việt Nam.
Trong cuốn sách tiểu sử "Hun Sen nhân vật xuất chúng của Campuchia”, (Hun Sen: Strongman of Cambodia) của Harish Mehta và Julie Mehta, khi hai tác giả nhắc đến hành động quân sự của Việt Nam để lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot như là một “sự xâm chiếm”, "đã khiến cho ông Hun Sen đưa ra câu trả lời đầy sôi nổi, phẫn nộ", sách viết. "Ông đã nhanh chóng sửa lối giải thích lịch sử của chúng tôi, ông nói điều đó không bao giờ là một sự xâm chiếm, mà là một hành động giải phóng khỏi chế độ diệt chủng".
Chính vì vậy, mà ngày 2/1/2012, khi sang Việt Nam dự lễ khánh thành di tích lịch sử sư đoàn 125, tiền thân Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia ngay tại ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, Thủ tướng Hun Sen đã phát biểu: "Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam đã đến. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật.”
Thủ tướng Hun Sen đã từng nói “tôi tin Việt Nam” và khẳng định “không có Việt Nam giải phóng, nhiều người Campuchia nữa sẽ chết, trong đó có thể có cả vợ và con tôi". Người con cả của ông đã bị chết trong bệnh viện của Khmer Đỏ ngay sau khi sinh do không được chăm sóc chu đáo, và sau khi ông đào thoát sang Việt Nam, vợ ông đã bị đày đọa rất cực khổ.
Cũng như cố Quốc vương Shihanouk, ông Hun Sen cho biết, ban đầu Việt Nam không có ý định giúp ông lật đổ Pol Pot. “Việt Nam luôn luôn tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của Campuchia", ông khẳng định. Ông chỉ nhận ra một cơ hội “vàng” đã xuất hiện khi Pol Pot tấn công Việt Nam vào năm 1977. Thái độ gây hấn của Pol Pot đã đánh dấu thời kỳ bắt đầu thay đổi chính sách của Việt Nam. Ông kể với hai tác giả viết cuốn sách tiểu sử: "Pol Pot đã vướng phải sai lầm là đã giết người dân của chính ông ta (kể cả những người gốc Việt) và phát động các cuộc tấn công vào Việt Nam”.
Với lãnh đạo và nhân dân Việt Nam khi đó, chúng ta thực hiện câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”. Đáp lại lời gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ đánh tan quân xâm lược Pol Pot trên tuyến biên giới Tây Nam, mà đoàn quân tình nguyện đã lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tiến công tiêu diệt chế độ Pol Pot, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Heng Samrin, trong lễ kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, tổ chức ngày 5/1/2014, đã nói: “Nhân dân Campuchia chúng tôi mãi mãi tri ân công lao đó và xin khắc ghi trong lịch sử của mình để nhắc nhở cho con cháu muôn đời sau. Bởi nếu không có sự giúp đỡ của Đảng cộng sản Việt Nam thì nhân dân Campuchia chúng tôi chắc chắn sẽ không còn tên tuổi của mình trên thế giới này. Thay mặt nhân dân Campuchia, tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Campuchia...”.
Còn những kẻ cầm đầu tập đoàn phản động Pol Pot đã bị Tòa án quốc tế ra phán quyết gọi chúng với tội danh là những kẻ phạm tội ác diệt chủng.
Đất nước Campuchia ngày nay đang hồi sinh mạnh mẽ, những trang sử u tối nhất, tàn khốc nhất đã ở lại phía sau, nhưng chắc chắn người dân sẽ không bao giờ quên. Ngày 7/1 được coi là Ngày Hồi sinh của dân tộc Khmer.
Người Việt Nam chúng ta tự hào góp phần vào sự hồi sinh của dân tộc bạn, đất nước bạn. Chúng ta cũng không quên, để có được những thành công và sự ghi nhận đó, là biết bao máu xương của những người con ưu tú đã đổ xuống.
Lê Tiên Long