Tuy vậy, nguồn gốc của kinh, con đường truyền bá kinh không phải ai cũng nắm rõ. Bản thân hành trình bộ kinh này chu du khắp thế giới đã là một câu chuyện lịch sử hấp dẫn và đáng tìm tòi nghiên cứu.

Giáo sư Donald S. Lopez Jr., chuyên gia nghiên cứu Phật giáo, đã dành nhiều tâm huyết khảo cứu, luận giải để dựng nên một Kinh Pháp Hoa: Tiểu sử - đời sống của các giáo điển vĩ đại sống động, đưa câu chuyện ngàn năm trước trở nên gần gũi với độc giả đương đại.

Theo truyền thuyết, Kinh Pháp Hoa là lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni giảng trên núi Linh Thứu.

Kinh gồm 28 phẩm, có tên đầy đủ là Kinh Diệu pháp Liên hoa, Giáo Bồ-tát pháp, Chư Phật sở hộ niệm nhưng thường được biết nhắc đến với tên Kinh Diệu pháp Liên hoa hay ngắn gọn hơn nữa là Kinh Pháp Hoa.

Sau khi thuyết giảng kinh này, Đức Thích Ca nhập niết bàn.

Giáo sư Lopez mở đầu cuốn sách bằng việc nhắc đến cơ duyên lần đầu ông hạnh ngộ bộ kinh điển. Đó là năm 1972, khi ông còn là sinh viên Đại học Virginia. Dạo ấy đương là mùa xuân và “tay da trắng mặc áo khoác thể thao” đã tụng "Namu myo renge kyo" là “Nam mô Diệu pháp Liên hoa kinh” trong tiếng Nhật. “Tay da trắng” đó cũng chính là Phật tử đầu tiên mà Lopez gặp.

Lopez khẳng định: “Các học giả hiện đại đồng ý rằng, cho dù kinh điển Đại thừa có tuyên bố là lời của đức Phật đi nữa thì những bộ kinh đó cũng được biên soạn khá lâu sau khi đức Phật nhập diệt. Mặc dù vậy, vì toàn tập Đại thừa quá đồ sộ và có ảnh hưởng quá lớn, đặc biệt là ở Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Tây Tạng. Cho nên, các học giả đã không gọi các văn bản này là ngụy kinh (apocryphal) mà họ dành thuật ngữ ấy cho những tác phẩm không dính líu gì tới đức Phật. Tức là, các kinh điển được biên soạn bên ngoài cương giới Ấn độ mà lại mang danh nghĩa là những tác phẩm Ấn Độ".

Lý giải sự nổi tiếng của Kinh Pháp Hoa, Lopez không phải vì những lời tán tụng tự nhận rằng bản thân kinh là một tác phẩm vĩ đại mà còn bởi tính văn học cao của nó thông qua những câu chuyện hấp dẫn, những ẩn dụ uyên áo đến từ trình độ học vấn cao của các tăng sĩ biên soạn bộ kinh.

Quê hương của Pháp Hoa và hành trình chu du phương Đông

Giáo sư Lopez khẳng định rằng Kinh Pháp Hoa đã hình thành khá sớm, được biên soạn, hiệu chỉnh và hoàn thiện trải dài qua 3 thế kỷ. Dựa theo tần suất được trích dẫn của Pháp Hoa, Lopez ước đoán rằng đây bộ kinh nổi tiếng này không phải bộ kinh vô danh, thậm chí “nó là tác phẩm quan trọng vào thời kỳ có nhiều bộ kinh Đại thừa được biên soạn”.

Nhưng ngày nay, đa số thủ bản cổ nhất được tìm thấy ở bên ngoài biên giới Ấn Độ. Việc khuyến khích Phật tử chép thật nhiều kinh và lưu truyền nó cũng là một trong những lý giải cho mức độ lan toả của kinh điển Pháp Hoa cả sang tận Trung Hoa thông qua Con đường Tơ lụa.

Kể từ lần đầu được dịch sang tiếng Hán năm 225, 3 trong số 6 bản dịch Kinh Pháp Hoa bằng Hán văn vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ở Trung Hoa, người có công truyền bá, giảng giải Kinh Pháp Hoa là đại sư Trí Giả sống vào thế kỷ thứ VI, sáng lập Thiên Thai tông. Theo Trí Giả, “Kinh Pháp Hoa là thể hiện trọn vẹn nhất giáo lý tối cao của đức Phật”. Ông nhìn nhận trong Kinh Pháp Hoa có 2 thông điệp chính, “không phải có ba thừa mà là nhất thừa, cuối cùng sẽ mang tất cả chúng sanh đi đến quả vị Phật” và “thọ mạng của đức Phật là vô lượng”.

Cũng trong thời kỳ này xuất hiện phong trào “Tam giai giáo” của sư Tín Hành, thu hút được nhiều tín đồ theo nhưng bị triều đình nhà Tùy và sau đó là nhà Đường đàn áp đến mức suy tàn.

Cùng thời với sư Trí Giả ở Trung Hoa có thái tử Shotoku ở Nhật Bản. Ông được miêu tả là "bậc hộ pháp của Phật giáo trong nhiều truyền thuyết", thậm chí “đời quá khứ của thái tử sẽ được truy nguyên ngược lên tới tận thời đức Phật, đặt ông vào hội chúng Linh sơn khi đức Phật đang giảng thuyết Pháp Hoa”.
 
Đến thế kỷ thứ VIII, Pháp Hoa đã trở thành kinh điển được tôn sùng nhất Nhật Bản. Các tự viện được triều đình bảo trợ, giới quý tộc tổ chức sao chép hàng ngàn bản kinh, “nhiều nghi thức chúc tán Kinh Pháp Hoa đã được tổ chức ở Nhật Bản, không chỉ trong chùa chiền Phật giáo mà còn ở dinh thự, cung điện của giới quý tộc và hoàng thất, cử hành”.

Đầu thế kỷ thứ IX, Thiên Thai tông Trung Hoa được du nhập vào Nhật nhờ công của đại sư Saicho. Đến thời đại sư Nichiren ở thế kỷ XIII, Thiên Thai tông đạt cực thịnh, trở thành tông phái đứng đầu ở Nhật. Tuy vậy, bằng việc xem nhiều tông phái Phật giáo khác là tà giáo, Nichiren trở thành đối tượng của nhiều cuộc mưu sát, lưu đày, xá tội diễn ra nối tiếp nhau. Cũng trong thời gian lưu đày, Nichiren viết ra phẩm quan trọng nhất của mình.

Xung quanh việc lý giải bộ Pháp Hoa ở Nhật đã nảy ra những mâu thuẫn tranh cãi giữa hai phái Nichiren và Thiên Thai, xem ai “mới xứng đáng được gọi là Pháp Hoa tông”. Những tranh luận đã dẫn tới bạo lực. “Vào cuối, 5 ngày giao tranh giữa 10 ngàn tăng binh, toàn bộ 21 ngôi chùa Nichiren đã bị quân Thiên Thai (liên kết với hào tộc địa phương) phá huỷ, và quận phía nam của Kyoto, căn cứ địa của Nichiren, hoang tàn trong lửa đỏ”.

Sau thời Minh Trị Duy Tân, Phật giáo ở Nhật Bản có những thay đổi nhất định. Tuy vậy, “chư tăng Nhật Bản, thường với sự tán trợ của hoàng gia, đã cử hành những nghi thức để hồi hướng công đức dựa trên Kinh Pháp Hoa (một truyền thống họ được thừa hưởng từ Trung Hoa) kể từ thế kỷ thứ IX”.

Kinh Pháp Hoa du nhập phương Tây

Giáo sư Lopez đã vẽ lại bản lược đồ chu du của bộ Kinh Pháp Hoa từ lúc vượt Đại Tây Dương, vượt Thái Bình Dương và sức ảnh hưởng của kinh điển này trong thế kỷ XX.

Vào năm 1574, hai giáo sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha và Italy là Luís Fróis và Organtino Gnecchi-Soldo thông qua bản Hán văn đã nghiên cứu Kinh Pháp Hoa. Cùng thời điểm đó ở châu Á cũng đang có nhiều nhà truyền giáo nghiên cứu Phật giáo cũng như Kinh Pháp Hoa.

Năm 1824, Brian Hodgson sưu tập các văn bản Phạn văn. Số văn bản mà ông đã sưu tầm và đến một số Viện Đại học và hội nghiên cứu ở châu Âu là 423 bản.

Năm 1839, bản dịch Kinh Pháp Hoa sang tiếng Pháp do Eugène Burnouf thực hiện hoàn tất. Bản dịch này đã tìm được một độc giả siêu hạng, văn hào Gustave Flaubert. Trong nhiều thư từ và tác phẩm văn học của chính mình, Flaubert đã chứng tỏ bản thân là người có nghiên cứu Phật giáo: “Tôi đã đọc Kinh Phổ Diệu, hỡi Bồ-tát, tôi đã đọc Kinh Diệu pháp Liên hoa, hỡi hàng thanh niên dòng dõi cao nhã”.

Năm 1884 Kinh Pháp Hoa bản đầy đủ được dịch sang tiếng Anh do học giả người Hà Lan Hendrik Kern dịch từ tiếng Phạn được đánh giá cao.

Donald S. Lopez, Jr đã kết lại rất hay cuốn tiểu sử này: “Kinh Pháp Hoa mà ta cố công tìm kiếm dường như đã biến mất. Có thể nó chẳng bao giờ có […] văn bản ấy không bao giờ bắt đầu […] Có lẽ đã đến lúc để quay lại với văn bản, để sống trong bóng tối của những khe nứt tuồng như thành sẹo đó […] và nói với nhau rằng, ‘làm thế nào mà chúng sinh hữu tình lại có thể bất ngờ xuất hiện ở nơi này?’”.

Độc giả có kiến thức sơ khởi về Phật giáo vẫn có thể tiếp cận Kinh Pháp Hoa: Tiểu sử - đời sống của các giáo điển vĩ đại, nhất là độc giả Việt Nam, nhờ vào bản dịch và chú giải của dịch giả Trần Văn Duy.

Nhà văn Huỳnh Trọng Khang