Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã giải ngân 70 tỷ đồng cho 1.136 hộ vay, nâng tổng dư nợ cho hộ nghèo vay vốn lên đến 350 tỷ đồng.

Nhờ nguồn vốn này, 3.500 hộ đã thoát nghèo trong năm 2023, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện Na Hang giảm từ 40,76% (năm 2022) xuống còn 32,61% (năm 2023). 

Kết quả này đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn huyện. Vùng cao Na Hang đang khởi sắc từng ngày, hứa hẹn một mùa xuân mới ấm no, hạnh phúc cho người dân nơi đây.

capturenahang.jpg
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Na Hang (Tuyên Quang) khởi sắc từng ngày. 

Ở những vùng khó khăn như huyện Na Hang, nguồn vốn chính sách đã được Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển tải kịp thời đến 100% người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, bản nhằm thực hiện tốt phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn”!

Hiện nay, khắp các thôn xã trên địa bàn huyện Na Hang, nhiều con đường bê tông phẳng lì, cây cầu kiên cố được đầu tư xây mới, mở ra hướng phát triển kinh tế sôi động cho người dân. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư, vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Có thể thấy, nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế để tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống, xoá đói giảm nghèo. Nhiều hộ được vay vốn hỗ trợ làm nhà ở đã có ngôi nhà mới kiên cố, khang trang, ổn định đời sống.

Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện Na Hang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan ban ngành của huyện và uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức triển khai hiệu quả Nghị định số 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.

Khánh Vy