Mời quý độc giả theo dõi video:
Dưới tán rừng đại ngàn xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, buôn làng của đồng bào người Jrai sống hoà hợp và có tính cộng đồng cao từ nhiều năm. Thế nhưng để người đồng bào có thể tập hợp nhau lại làm kinh tế, thì lại chưa nhiều.
Là người dân tộc Ê Đê, sinh ra và lớn lên ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, vốn là một nghệ sĩ công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, nhưng chị nhưng H'Uyên Niê lấy chồng và theo chồng về sinh sống ở xã Ia Mơ Nông. Năm 2017, nhận thấy nhiều phụ nữ trong xã vẫn duy trì dệt thổ cẩm truyền thống chị bàn bạc với Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vận động thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm, vừa giúp phụ nữ trong xã làm ra các sản phẩm gìn giữ văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế. Từ mô hình dệt, chị Niê dần kêu gọi người dân phát triển thêm nhiều hoạt động khác như mô hình du lịch cộng đồng, dùng chính văn hóa bản địa để khai thác ở khía cạnh kinh tế và bảo tồn bền vững di sản.
Trước đây, chị em tại buôn làng chỉ biết làm nông, chăn nuôi tự cung tự cấp, nhưng đến nay đã biết cách khai thác nét đẹp của không gian cư trú, nét độc đáo của di sản văn hóa dân tộc mình để làm du lịch, tạo thu nhập cho gia đình. Giờ đây mỗi người dân trong làng là một hướng dẫn viên tích cực, phục vụ du khách nhiệt tình, chu đáo. Trong làng có những ngôi nhà sàn nguyên bản kiến trúc truyền thống, có những nghệ nhân dệt vải giỏi. Giữa làng có nhà rông văn hóa, nơi diễn ra những buổi sinh hoạt chung của dân làng, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ cho du khách, các lễ hội truyền thống như: lễ mừng lúa mới, cúng bến nước, thổi tai, cầu sức khỏe, bỏ mả...
Tour du lịch thăm làng được chị H'Uyên Niê lên nội dung rất phong phú, chuyên nghiệp. Khách sẽ đi thăm nhà rông của làng, khu nhà mồ, thăm ruộng lúa, ngắm sông, thăm thác Công chúa, trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của bà con Jrai như giã gạo, đan lát, dệt thổ cẩm, nướng gà, nướng thịt heo, làm món ăn dân gian… Đêm đến, khách thưởng thức ẩm thực, nghe hát dân ca, xem trình diễn cồng chiêng và múa xoang cùng bà con trong làng.
Từ những bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây người dân đã có thể làm du lịch một cách bài bản, thuần thục. Không chỉ đứng ra vận động, kêu gọi và cùng làm với mọi người, chị H'Uyên Niê còn luôn đau đáu với việc làm thế nào để mô hình này càng được lan toả rộng rãi hơn nữa cho những người đồng bào của mình. Vừa qua, tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, dự án “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah” của chị H’Uyên Niê đã xuất sắc giành giải nhất khu vực và giải khuyến khích toàn quốc.
Hiện tại, các chị em trong buôn làng đều được học lớp sơ cấp nghiệp vụ du lịch cộng đồng ba tháng và được Trường cao đẳng Gia Lai cấp chứng chỉ công nhận. Hàng lưu niệm từ thổ cẩm của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm của được bán với giá từ 150 nghìn đến 1,5 triệu đồng. Hàng đan lát, hàng nông thổ sản như gạo, muối kiến, thảo dược, mật ong, đậu, đỗ các loại, rượu ghè, bò/heo/cá gác bếp được tiêu thụ đều đặn. Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Nông nghiệp Ia Mơ Nông hiện lên tới hơn 150 thành viên.
Với chị H’Uyên Niê, hành trình mang buôn làng ra thế giới và mang tiến bộ của thế giới về buôn làng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Thế những bằng sự nỗ lực mỗi ngày, chị H’Uyên Niê và cộng đồng của mình vẫn đang là minh chứng rõ nét nhất cho sự tâm huyết và năng lực của những người phụ nữ dân tộc thiểu số.