Huyện Tương Dương có 18.846 hộ dân, với 79.930 khẩu, trong đó có 16.898 hộ, 72.374 khẩu là dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 89,7% số hộ, 90,6% số khẩu. Các dân tộc có dân số đông là: Thái (70%), Khơ Mú (13,5%), Mông, Thổ (Pọng), Ơ Đu. Điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình 1719), đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng khởi sắc.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, từ nguồn của Chương trình 1719, huyện đã phân bổ thực hiện 10 dự án thành phần và thu được nhiều kết quả khả quan.

Tỷ lệ đồng bào DTTS ở huyện được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,8%; tỷ lệ người dân sử dụng điện lưới sinh hoạt đạt 100%; tỷ lệ đồng bào tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%;…

Lĩnh vực hạ tầng cơ sở cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Đến nay, huyện có 51 công trình xây dựng từ nguồn vốn đầu tư được thực hiện, gồm 5 công trình đường giao thông, 7 công trình nhà văn hóa, 4 công trình y tế, 12 công trình giáo dục, 2 công trình chợ, 21 công trình hạ tầng khác. Cùng với đó, tỷ lệ thôn có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã đạt 86%.

Tương Dương
Hội thi thể thao tại huyện Tương Dương (Nghệ An).

Huyện cũng thực hiện hỗ trợ đất ở cho 10 hộ dân/2 bản; hỗ trợ 133 nhà ở đáp ứng nhu cầu an cư của người dân vùng miền núi; thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, mua sắm máy móc, thiết bị.

Tổng diện tích hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng của huyện được thực hiện là hơn 93 nghìn ha; đã hỗ trợ bảo vệ rừng hơn 38 nghìn ha cho 5.958 hộ gia đình và hỗ trợ khoán bảo vệ rừng gần 55 nghìn ha 160 tổ cộng đồng.

Đã có 19 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng được giao cho 406 hộ tham gia, 2 dự án trồng dược liệu cũng đã có 35 hộ gia đình tham gia.

Chương trình xây dựng và phát triển văn hoá có nhiều tiến bộ, đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển sâu rộng, chất lượng ngày càng cao. Năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa của huyện đạt 86,2%, tăng 15,2% so với năm 2018; có 89,9% khối, làng, bản được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”, tăng 20,9% so với năm 2018…