Ơ Đu là một dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống chủ yếu ở bản Văng Môn, xã Nga My, Tương Dương, Nghệ An. Trước đây, người Ơ Đu sinh sống rải rác trong các bản, xen kẽ với người Thái và Khơ Mú. Năm 2006, khi những gia đình đầu tiên tái định cư về bản Văng Môn thì mới bắt đầu kết nối điện lưới. 

Đến năm 2008, trạm phát sóng điện thoại được xây dựng ở xã Nga My, sóng điện thoại phổ biến và những chiếc điện thoại dần xuất hiện nhiều hơn. Năm 2018, gia đình đầu tiên lắp đặt wifi để kết nối internet. Số lượng người sử dụng điện thoại thông minh cũng tăng lên. 

Đến năm 2023, cả bản có 16 hộ gia đình đã lắp wifi, phần lớn người dân đều sử dụng điện thoại thông minh. Hiện nay, điện thoại, internet và mạng xã hội trở thành các nhân tố quan trọng trong đời sống người dân Ơ Đu.

Qua khảo sát một số bản làng ở miền núi Nghệ An, có thể thấy hiện có khoảng 70% số người trong độ tuổi 18 - 45 có sử dụng điện thoại, mạng internet và tham gia vào các mạng lưới xã hội. Hầu hết các gia đình có con cái đi làm ăn xa đều biết sử dụng MXH để liên lạc. Nhiều người còn biết vận dụng MXH để buôn bán nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

Bắt nhịp với chuyển đổi số 

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của Nghệ An có hơn 491 nghìn người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 DTTS cùng sinh sống đan xen tập trung chủ yếu ở 12 huyện, thị xã, với 05 DTTS có lịch sử sinh sông lâu đời trên địa bàn là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu

Tỉnh có 27 xã biên giới với 24 xã có liên quan đến việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào DTTS&MN. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái.

Ảnh chụp Màn hình 2024 10 28 lúc 10.15.12.png
Cán bộ hướng dẫn người dân vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An bán hàng qua kênh thương mại điện tử

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, việc triển khai đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện.

Trong Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, một trong các nội dung UBND tỉnh đưa ra là xây dựng chính sách hỗ trợ người dân vùng khó khăn, dân tộc thiểu số tiếp cận điện thoại thông minh, mạng Internet băng thông rộng và kỹ năng số để kịp thời nắm bắt thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, khai thác dịch vụ công trực tuyến và thương mại điện tử.

Hiện nay, tại các thôn, bản vùng DTTS&MN của tỉnh đã được đầu tư hệ thống đài truyền thanh cơ sở, đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Mở rộng phủ sóng truyền hình đến 100% địa bàn thôn, bản trong toàn tỉnh; tỷ lệ người dân được nghe xem phát thanh, truyền hình ngày càng tăng.

Hạ tầng cơ sở, công tác thông tin, truyền thông tuyên truyền tiếp tục được tăng cường đến tận thôn bản phục vụ cho người dân. Tăng cường sản xuất các nội dung tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS&MN phát sóng tại các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc...

Hạ tầng thông tin và truyền thông tiếp tục được đầu tư ở các khu vực biên giới, nhất là hạ tầng thông tin di động, cơ bản hiện nay các thôn, bản đã có sóng điện thoại di động, internet. Các thôn, bản được phủ sóng internet có thể thu xem truyền hình, phát thanh qua mạng internet. 

Qua các năm thực hiện, lợi ích từ quá trình chuyển đổi số đã đi vào nhận thức, hành động của người dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị hiện đại, liên hoàn, quy trình sản xuất khép kín, tiếp cận và phát huy thương mại điện tử, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo nên những nông dân năng động, nông thôn hiện đại, trù phú, thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn.

Không chỉ hỗ trợ trong phát triển sản xuất, kinh doanh mà chương trình chuyển đổi số cũng đang là “đòn bẩy” giúp đồng bào DTTS&MN quảng bá sản vật, đặc sản truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng cao.