Quan tâm đa chiều tới người dân, tại Mường Chà, chính quyền và các tổ chức, cá nhân chăm lo giúp các hộ nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ xây dựng nhà ở; nhiều bản có tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi tới trường đạt gần 100%.
Ngày 19/9, tỉnh Điện Biên có chương trình giám sát chuyên đề về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững tại 2 xã Na Sang và Nậm Nèn thuộc huyện Mường Chà.
Thông tin tại buổi giám sát cho thấy, các chương trình MTQG góp phần thúc đẩy, tạo chuyển biến tích cực tình hình kinh tế - xã hội của xã Na Sang. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 2021 xuống còn 45% năm 2023.
Công tác giáo dục và đào tạo; các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được triển khai đồng bộ; công tác y tế cơ sở được quan tâm. Cơ sở hạ tầng được cải thiện. Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, còn một số nội dung thành phần của các dự án, tiểu dự án còn chậm tiến độ. Tỷ lệ giải ngân các chương trình thấp, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong khi đó xã Nậm Nèn đã và đang thực hiện 9 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; gồm 2 mô hình ngô, 3 mô hình lúa, 3 mô hình sa nhân tím, 1 mô hình mít thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại xã Nậm Nèn, bản Phiềng Đất B được biết đến là địa bàn có nhiều nỗ lực trong giảm nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Trong tổng số 43 hộ cả bản, Phiêng Đất B hầu như không còn hộ nghèo. Đây còn là 1 trong 2 bản đầu tiên của huyện Mường Chà đạt chuẩn nông thôn mới. Còn bản Nậm Nèn 2 là bản có tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi tới trường đạt gần 100%; nhiều cháu sau khi tốt nghiệp còn thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học chất lượng…
Ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, cho biết tại huyện này, tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2023 giảm xuống còn 42,86%, bình quân giai đoạn 2019-2023 giảm 5,24%/năm; tỷ lệ hộ cận nghèo là 16,23%. Chia theo khu vực, tỷ lệ hộ nghèo khu vực thành thị là 5,49%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn 47,11%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 42,81%.
Quan tâm đa chiều tới người dân, tại Mường Chà, chính quyền và các tổ chức, cá nhân chăm lo giúp các hộ nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Đến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng 1.067 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các hộ nghèo còn được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt tín dụng chính sách, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, các loại máy móc phục vụ sản xuất, chế biến nông sản sau thu hoạch.
Điều này đã có tác động rõ rệt tới việc nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất có hiệu quả, nhiều hộ đã phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tại huyện còn nhiều khó khăn này, năm 2024, các chương trình tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, đồng hành cùng mục tiêu giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Trong gần 960 tỷ doanh số cho vay 10 năm qua, hơn 65% tập trung vào đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đến nay, dư nợ cho vay đạt trên 441 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã gúp cho gần 16.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống từng bước thoát nghèo bền vững.
Cụ thể, 770 hộ xóa được nhà tạm, dột nát theo chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Xây dựng được 792 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn giúp cải thiện môi trường sống. Gần 300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học, 620 lao động được vay vốn tạo việc làm...
Mường Chà là huyện miền núi, biên giới, nằm ở phía Bắc tỉnh Điện Biên, có đường biên giới dài 21,8 km giáp với huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ, Lào. Huyện có 12 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 11 xã đặc biệt khó khăn.
Dân số toàn huyện trên 52.000 người, gồm 13 dân tộc, trong đó, dân tộc Mông chiếm 71,11%, Thái chiếm 14,39%, Kinh chiếm 5,11%, Khơ Mú chiếm 5,63%, Kháng chiếm 2,31%, Hoa chiếm 1,22%, còn lại là các dân tộc khác.