Bản Pá Sập, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn có 48 hộ dân đồng bào dân tộc Mảng là một trong những dân tộc có dân số dưới 10.000 người ở Lai Châu.

Từng là bản khó khăn, dân trí thấp do địa bàn cư trú ở vùng sâu, vùng xa, Pá Sập một thời có nhiều số “không” như không điện nên dụng cụ thắp sáng chỉ là chiếc đèn dầu…, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại. Nhà cửa dột nát, xiêu vẹo không khác gì những lán nương.

Thời điểm mùa mưa, muốn vào các bản xa, phải đi bộ 1 đến 2 ngày mới tới nơi.

Do địa hình chủ yếu là đất đồi dốc cao, đất canh tác thiếu, cằn cỗi, lại thiếu nước, kỹ thuật canh tác lạc hậu, người dân bản Pá Sập chỉ trồng được một vụ lúa nương/năm, thời gian còn lại bỏ hoang cho cỏ mọc khiến đất đai nhanh bạc màu. Vào mùa giáp hạt, nhiều hộ phải lên nương, rẫy đào củ mài, củ sắn, củ khoai ăn thay cơm. 

Từng có thời gian, trong bản không hiếm cảnh đàn ông, đàn bà ngồi từ sáng đến chiều bên mâm rượu, cứ say lại nằm lăn lóc ở góc nhà, hết ngày này đến ngày khác. Là dân tộc ít người được Nhà nước dành nhiều sự quan tâm hỗ trợ, nhưng sự hỗ trợ đó một phần tác động tới tâm lý, làm cho người Mảng thụ động. Cuộc sống bà con dường như chỉ trông chờ vào sự viện trợ của Nhà nước.

W-dantocmang.png

Song đó là chuyện của trước kia. Thời gian qua, thông qua việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, cuộc sống của đồng bào Mảng ở đây, cũng như diện mạo cơ sở hạ tầng của bản Pá Sập đang từng bước đổi thay.

Bản Pá Sập nay có điện, có đường bê tông, có trường mầm non, có của ăn, của để. Đời sống đồng bào đã được nâng lên. 

Cách nay mấy năm, nhằm góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, Công ty Thủy điện Sơn La đã trao tặng bản Pá Sập công trình nhà văn hóa có tổng diện tích 375m2.

Đặc biệt, có điện về, có sóng phát thanh, được tiếp cận thông tin, giờ đây nhiều thanh niên dân tộc Mảng của bản đã vươn ra, đi làm việc ở các địa phương khác nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. 

Bên cạnh đó, để bản Pá Sập đổi thấy, để người Mảng bớt nghèo, với các nguồn đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của người dân, vùng đồng bào dân tộc Mảng đạt được nhiều kết quả trong xây dựng bản làng, xây dựng nếp sống văn minh.

Các cấp chính quyền xã đa và đang vận dụng các nguồn lực, các chính sách nhằm hỗ trợ và nâng cao đời sống cho bà con dân tộc Mảng. Đồng thời, phát huy những lợi thế của địa phương tham gia trồng cây cao su; khai thác nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ thủy điện; quan tâm đến công tác giáo dục.

Mặc dù so với các vùng miền khác, tỷ lệ hộ nghèo của bản Pá Sập hiện vẫn còn cao với khoảng 63,83%. Tuy nhiên, người dân trong bản đã bắt đầu biết dùng máy móc, phương tiện canh tác, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản nên thu nhập cũng tăng hơn.

Khi đời sống kinh tế tốt lên, người dân được nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật,... họ sẽ phấn khởi, cùng nhau xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.