Bản Pa Mu, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) hiện có 93 hộ, 500 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông. Trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp, đời sống của nhiều hộ dân rất khó khăn, tỷ lệ nghèo cao.

Được Nhà nước hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, bản Pa Mu vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, trồng trọt. Chăn nuôi đại gia súc chuyển từ hình thức thả rông sang chăn nuôi có chuồng trại tập trung trồng cỏ.

Toàn xã Hua Bum có 6 bản, trên 480 hộ. Để giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống cho hơn 2.000 nhân khẩu, xã chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện cho hộ nghèo nỗ lực vươn lên, tăng thu nhập, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Công tác tuyên truyền cho nhân dân nghèo nhằm nâng cao nhận thức, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu tại xã Hua Bum.

W-nong thon giam ngheo.jpg
Tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, dần xóa tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế là nội dung quan trọng.

Đến nay, 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Quan tâm chiều thiếu hụt về giáo dục, hiện tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi tăng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện tại là 49,12%, mỗi năm giảm trung bình trên 4,78%. Tới đây, xã tập trung hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo; chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tuyên truyền nhân dân tham gia xuất khẩu lao động để tăng thu nhập.

Nậm Nhùn là huyện biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu, đời sống của nhân dân khó khăn, cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân còn thiếu thốn. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Nậm Nhùn triển khai đồng bộ, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện giảm xuống còn 32,2%, giảm khoảng 12% so với năm 2021.

Huyện Nậm Nhùn huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn vốn hợp pháp để lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Huyện cũng tìm giải pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Trong khó khăn, người dân Nậm Nhùn cùng lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức cùng nhau tìm ra lối đi phù hợp để giảm nghèo, nâng cao đời sống. Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây bí xanh, cùng với hiệu quả kinh tế mang lại, xã Nậm Manh khuyến khích các hộ mở rộng diện tích trên những khu vực đất có điều kiện canh tác phù hợp.

Cùng đó, xã cũng khuyến khích trồng, chăm sóc, thu hoạch theo đúng cam kết với các đơn vị thu mua để đảm bảo chất lượng sau thu hoạch.

Đến năm 2024, khoảng 10 hộ dân ở xã Nậm Manh tham gia mô hình với diện tích vùng trồng khoảng 6ha. Vào thời điểm thu hoạch chính vụ bí xanh, giá bán mỗi cân từ 10.000-15.000 đồng. Với hộ có diện tích từ 0,2ha, nguồn thu nhập được tăng thêm từ 20-25 triệu đồng mỗi vụ. Đây là khoản thu nhập đó không hề nhỏ, bởi thu nhập bình quân đầu người/năm của xã mới đạt 25 triệu đồng.

Hiện nay quỹ đất dành cho canh tác các loại hoa màu bị thu hẹp, do đó việc có thêm những mô hình trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng cây bí xanh là hướng đi mới trong thoát nghèo tại xã vùng cao như Nậm Manh. Lãnh đạo xã cho biết sẽ tiếp tục đánh giá mức tiêu thụ của thị trường, cam kết với doanh nghiệp để mở rộng diện tích cây bí xanh, vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân nghèo, vừa đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống.

Tại Nậm Hàng, xã đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn, tổng số người trong độ tuổi lao động là hơn 2.600 người, 95% trong đó là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 18,28%, cận nghèo 11,36%, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt 36 triệu đồng.

Hiện xã có hơn 200 người đang đi làm tại các công ty ngoài tỉnh, 18 người đi xuất khẩu lao động. Xã Nậm Hàng chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đẩy mạnh vận động gần 500 người tham gia đào tạo các lớp dạy nghề ngắn hạn như may dân dụng, thêu dệt thổ cẩm, nuôi và phòng trừ bệnh cho trâu bò, nuôi ong mật, kỹ thuật trồng dứa, kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng cây sa nhân, chăn nuôi gia cầm.

Năm 2024, xã phấn đấu đưa thu nhập trung bình của người dân đạt 40 triệu đồng/người/năm. Hiện hầu hết các hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày; tỷ lệ phổ cập bậc học mầm non, tiểu học đạt 100%, bậc THCS đạt trên 88%; 100% người dân trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế.