Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực Hoàng Việt Tùng cho biết: Chúng tôi đã đẩy mạnh việc tuyên truyền chuyển đổi số đến với nhân dân và chỉ đạo Đoàn Thanh niên xã hỗ trợ người dân cài đặt, hướng dẫn họ sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh. Xã cũng tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền.

quang ninh.jpg
 Ngày nay người dân xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) đều coi chiếc điện thoại thông minh là vật bất ly thân để sử dụng hằng ngày.

Đối với những người trẻ tuổi, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã xóa nhòa khoảng cách địa lý, có thể trao đổi, hò hẹn với người thân quen từ xa hàng trăm cây số, hay học trực tuyến hoặc nhờ tư vấn trực tuyến từ xa một cách dễ dàng. Đơn giản nhất là mua được bộ quần áo ưng ý từ cửa hàng cách xa mình hàng trăm cây số mà không phải lặn lội đi lại...

Người cao tuổi ở xã Đại Dực cũng hưởng ứng chuyển đổi số một cách nhiệt tình, bây giờ gần như người nào cũng có điện thoại thông minh. Đại Dực vốn rất nổi tiếng với truyền thống hát soóng cọ. Trước đây mọi người thường hẹn hò nhau ra bờ rừng, bãi ruộng để cùng hát, nhưng bây giờ cuộc sống thay đổi, bận rộn hơn, không tập hợp được như trước, thế nhưng các buổi hát soóng cọ vẫn diễn ra bình thường vào buổi tối nhờ ứng dụng tiến bộ về công nghệ.

Già làng Lỷ A Sáng (75 tuổi) ở xã Đại Dực là người có rất nhiều công trong bảo tồn tiếng hát soóng cọ người Sán Chỉ qua điện thoại thông minh. Ông Sáng kết nối những người cùng thích hát soóng cọ trong xã với xã khác và cả huyện khác, mỗi tối lên đến hàng trăm người vào nhóm zalo. Qua đó, mọi người dù ở nhà vẫn tụ hợp được thông qua chức năng gọi điện có hình ảnh để cùng hát với nhau.

Bà Nình Thị Hồ (thôn Khe Lục, xã Đại Dực) cho biết: Tôi và nhiều người đứng tuổi đã quyết tâm học chữ cũng là nhờ có điện thoại thông minh. Nhiều niềm vui lắm, nào là đọc được tin nhắn trên zalo khi hẹn người cùng nhóm với nhau, hoặc hát tập thể với nhau rất vui... Cũng theo bà Hồ, việc ứng dụng khoa học công nghệ giúp cho cuộc sống ngày càng thuận tiện, ngay cả việc đóng tiền điện cũng không mất thời gian như trước. Trước đây mọi người phải phân công nhau, người đi làm rừng, làm ruộng hay phải phiền con cháu ra phố huyện đóng hộ tiền điện mất ngày, mất buổi. Bây giờ thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh là ở đâu cũng có thể đóng tiền được. Cũng từ điện thoại, nhiều người còn học được kỹ thuật chăm sóc lúa, cách trồng rừng, cách nuôi dạy con cháu cho tốt.

Trước đây mỗi lần tổ chức họp thôn tôi phải đi hết quả đồi này sang quả đồi khác để đến từng nhà mời bà con đến họp. Tuy vậy việc ấy cũng rất mất công, vì mọi người làm rừng, làm ruộng từ sáng sớm đến tối muộn mới về, tôi phải đi đến từng nhà từ sáng sớm hoặc tối muộn, mất mấy ngày vì một buổi cũng chỉ đến được chục nhà. Bây giờ thông qua zalo, chỉ cần thông tin lên nhóm là mọi người đều biết. Ông Nình Văn Quang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Lục, xã Đại Dực 

Các buổi tập huấn về chăn nuôi, chăm sóc cây trồng ở xã, thôn cũng hiệu quả hơn. Trước đây cán bộ giảng bài nhưng hễ nói đến các loại thuốc có tên nước ngoài là bà con rất khó hiểu, nay chỉ cần chụp ảnh loại thuốc đó đưa lên nhóm zalo là xong. Khi đi mua hàng, người mua chỉ việc mở hình ảnh lên là người bán hiểu. Thông qua mạng xã hội còn có thể lập các nhóm an ninh trật tự, chống lừa đảo, hễ có hành động lừa đảo gì mới của bọn tội phạm đều đưa lên nhóm để mọi người cùng cảnh giác.

Có thể khẳng định, việc đầu tư phát triển nền tảng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số đã kéo dần khoảng cách Đại Dực với muôn nơi. Người lớn tuổi có con cháu dù đi làm ăn ở xa thỉnh thoảng gọi điện có hình ảnh về hỏi thăm thì dù ở xa mấy cũng vẫn yên tâm công tác.

 Theo Công Thành (Báo Quảng Ninh)