Giải bài toán ép giá, lợi nhuận thu về

Truyền thông đang rầm rộ đưa tin về đoàn 4.500 khách Ấn Độ - lượng khách lớn nhất tại thị trường này từ trước đến nay - đến Việt Nam. Đoàn chia làm nhiều đợt, tham quan và khám phá Hà Nội, Tràng An (Ninh Bình) và Hạ Long (Quảng Ninh) từ 27/8-3/9.

Ngoài ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước cũng như các điểm đến nổi tiếng, các danh thắng tại Việt Nam, đây cũng là cơ hội lớn để chúng ta thu hút nguồn khách “khủng” từ quốc gia Nam Á hơn 1 tỷ dân này. 

Ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhìn nhận, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo,... ) nên còn nhiều bỡ ngỡ, cần học hỏi, nhưng về lâu dài phải suy nghĩ để phát triển hướng tới chuyên nghiệp vì du lịch MICE đã trở thành xu hướng, thậm chí một số quốc gia còn xác định là ngành công nghiệp MICE. 

Theo ông Trí, đoàn khách Ấn Độ 4.500 người là phép thử, qua đó bộc lộ các vấn đề mà du lịch Việt Nam cần quan tâm, giải quyết.

w du lich du khach an do 5 2504.jpg
Những vị khách Ấn Độ đầu tiên trong đoàn 4.500 người đến du lịch Việt Nam. Ảnh: Thạch Thảo

Nhận diện các điểm yếu của du lịch MICE Việt Nam, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho rằng, đó là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được những đoàn khách số lượng lớn cả nghìn người; sự liên kết, hợp tác giữa điểm đến và đơn vị cung cấp dịch vụ chưa tốt; thiếu định vị điểm đến MICE của quốc gia. Do đó, khi tham gia các hội chợ quốc tế, ông thấy các đối tác tỏ ra lưỡng lự khi lựa chọn tổ chức các đoàn khách MICE đến Việt Nam.

Hơn nữa, tuy Việt Nam đón cả nghìn khách Ấn Độ nhưng trên thực tế doanh thu lại không lớn.

Cùng quan điểm trên, TS. Trịnh Lê Anh - giảng viên Khoa Du lịch, ĐH KHXH&NV - nhận xét, những đoàn khách Ấn Độ có yêu cầu rất đặc biệt, thậm chí rất khó đáp ứng, nhưng giá trị mang lại không cao vì họ lấy số lượng đông để ép giá điểm đến. Đây là bài toán lớn đặt ra cho các đơn vị cung cấp và du lịch MICE Việt Nam. 

Chưa định vị được là điểm đến MICE

Trong các điểm yếu của Việt Nam, CEO Phạm Hà đặc biệt nhấn mạnh đến việc Việt Nam chưa định vị là một điểm đến của du lịch MICE. 

Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đang chưa định vị được điểm đến MICE trong mắt các nhà tổ chức MICE quốc tế; chưa có cơ quan, phòng ban chuyên trách chuyên về mảng MICE để nói cùng một ngôn ngữ, qua đó hỗ trợ khách hàng.

Ông Hà dẫn chứng đối thủ cạnh tranh là Thái Lan. Từ lâu, họ đã định vị là quốc gia hàng đầu về du lịch MICE tại châu Á, với sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước là Tổng cục Du lịch Thái Lan với các nhà cung cấp dịch vụ; việc quảng bá, truyền thông rất tốt tại tất cả hội chợ quốc tế. Trong khi, Việt Nam tiềm năng du lịch lớn là vậy, có bờ biển dài, có những trung tâm hội nghị quốc tế, đã tổ chức những sự kiện lớn và đón nhiều đoàn khách,… nhưng chúng ta vẫn chưa làm được.

z5781918041115_84c659edf6cb71123081909de37ed89e.jpg
MICE Expo là sự kiện quy tụ nhiều đối tác, nhà cung cấp dịch vụ nằm trong chuỗi du lịch MICE. Ảnh: VMC

Từ thực tế hoạt động, bà Lê Thị Hồng Hạnh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Vietluxtour, cũng cho hay, khi đơn vị của bà tổ chức MICE tại Thái Lan hoặc Singapore, chính phủ các nước luôn có chính sách thu hút khách MICE toàn diện và tầm nhìn dài hạn, với nhiều ưu đãi như quà tặng từ khách du lịch, cách để chào đón đoàn, các hỗ trợ khác,… 

Du lịch MICE của Việt Nam muốn phát triển cần có sự tham gia và hỗ trợ của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, ngoài cơ sở hạ tầng, dịch vụ cần có, bà kiến nghị. 

Theo TS. Trịnh Lê Anh, nếu đi càng nhiều nước thì càng thấy rõ Việt Nam là thị trường mới nổi thu hút khách MICE ở tính mới mẻ của nó. Tuy nhiên, về lâu dài, ông cho rằng chúng ta cần có dịch vụ đẳng cấp, 4-5 sao và hơn thế nữa; nhân sự cần chuyên nghiệp và chuyên môn hóa; có thêm các phòng hội nghị lớn trên 1.000 người,...

“Sau Covid-19, nhân lực du lịch là vấn đề trầm trọng, rất thiếu và yếu, đặc biệt là nhân lực chuyên ngành khi Việt Nam vẫn chưa có trường đại học nào đào tạo chuyên sâu về MICE hay du lịch sự kiện”, ông Anh nói.  

Trong khi đó, những con số nghiên cứu, thống kê về tỷ lệ khách MICE chiếm bao nhiêu, thị trường quốc tế nào là trọng điểm, điều kiện đáp ứng, lợi ích đem lại,... chúng ta chưa hề có và cũng chưa ai làm.

Thị trường MICE của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mảng nội địa và quốc tế, nhưng tỷ trọng đến từ nội địa sẽ cao hơn, còn mảng quốc tế chúng ta sẽ thu hút được đông đảo những khách đến từ châu Á nhờ lợi thế về chi phí vé máy bay. Do đó, để phát triển du lịch MICE, Việt Nam nên tập trung vào thị trường nội địa và các nước châu Á.

(Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Vietluxtour)

Nhìn trên bản đồ du lịch Việt Nam, 60-70% lượng khách quốc tế đến từ châu Á, với thị trường gần như Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ,… như vậy, việc thu hút và tổ chức MICE dễ dàng nhất; còn thị trường xa có thể thu hút được khách MICE sang trọng, nhóm nhỏ từ 100-200 khách, tối đa 500 khách như Mỹ, Canada, các nước Đông Âu và Tây Âu,... thì hạ tầng nước ta rất phù hợp.

(Ông Phạm Hà, LuxGroup)

Hơn 500 doanh nghiệp du lịch tham gia MICE Expo 2024

Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) và Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam (Vietnam MICE Club - VMC) sáng 30/8 đã giới thiệu chương trình Sự kiện kết nối kinh doanh du lịch MICE 2024 với tên gọi: MICE EXPO 2024. Sự kiện sẽ diễn ra ngày 27/9 tới, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. 

Sự kiện dự kiến thu hút 500 doanh nghiệp, 800 đại biểu tham dự, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp giới thiệu quảng bá sản phẩm và cùng nhau nhận định xu thế, xây dựng kế hoạch hành động cho thời gian tới cũng như “định vị thương hiệu du lịch MICE Việt Nam trên bản đồ du lịch MICE thế giới”.