Là địa phương có trên 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo động lực giúp người dân ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

W-minhhoa-8.png
Sơn La đã giải ngân được 417 tỷ đồng, trong đó giải quyết tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào DTTS

Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025 toàn tỉnh là 8 nghìn 690 tỷ 065 triệu đồng để thực hiện 10 dự án thành phần. Mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng 2 lần so với năm 2020; có ít nhất một huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn NTM; 85% bản có đường giao thông từ xã đến bản được cứng hóa…

Để phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2016-2020, Sơn La đã nỗ lực triển khai hiệu qua các nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135; Chính sách đặc thù hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Quyết định 2085, 2086 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ DTTS; chính sách cử tuyển, học sinh nội trú, bán trú cho học sinh là người DTTS...

Giai đoạn 2021 đến nay, tỉnh tiếp tục triển khai các dự án đầu tư theo Nghị quyết 88, 120 và Quyết định 1719 về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025.

Tới nay, toàn tỉnh đã giải ngân được 417 tỷ đồng, trong đó giải quyết tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào DTTS; xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho hơn 6.000 hộ. Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS còn du canh, du cư tại 17 điểm định canh định cư tập trung cho trên 900 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn 8 huyện…

Cùng với đó, tỉnh đã triển khai hỗ trợ trên 50 tỷ đồng thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư trên địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS; đầu tư, phát triển vùng dược liệu quý tại huyện Vân Hồ; 5 công trình đường giao thông liên xã; 8 công trình chợ; duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng các xã, bản đặc biệt khó khăn...

Nguồn vốn của Chương trình đã sử dụng vào đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc La Ha thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La…

Ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: Đến nay, tất cả các Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719 đã được các địa phương trên toàn tỉnh triển khai kịp thời, đồng bộ, và đạt được những kết quả tích cực.

Cơ chế quản lý, điều hành, phân công, phối hợp trong tổ chức thực hiện từng bước hình thành và đi vào nề nếp. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình cơ bản được ban hành đầy đủ, kịp thời. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình được thực hiện thường xuyên.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân các dân tộc, việc triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Đến nay, trên 97% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 73,1% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; có 59 xã đạt chuẩn NTM; 94,1% số hộ được dùng điện sinh hoạt an toàn; 97,5% dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 15,472 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 48,96 triệu đồng/người/năm (năm 2022). Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm bình quân 4,8%/năm.

Tuy nhiên, do địa bàn rộng, đối tượng thụ hưởng lớn, công tác rà soát đối tượng thụ hưởng, các nội dung dự kiến triển khai theo từng dự án thành phần, lựa chọn, đề xuất các danh mục dự kiến đầu tư, lập kế hoạch nguồn vốn…. từ cơ sở còn gặp khó khăn. Tiến độ thực hiện một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần còn chậm.

Hiện nay, Sơn La đang tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại các địa phương. Trên cơ sở đó, kịp thời tháo gỡ, đề xuất thực hiện các hoạt động hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.