Báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, lĩnh vực Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh đã có nhiều bước tiến rất đáng ghi nhận.
Tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh việc xây dựng trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tại các huyện miền núi. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã đầu tư xây dựng 150 phòng học trên địa bàn 05 huyện miền núi với tổng mức đầu tư là 92,993 tỷ đồng (vốn Trung ương là 82,034 tỷ đồng).
Đến cuối năm 2020, 100% xã, thị trấn có trường, lớp mầm non, tạo điều kiện cho trẻ mầm non ra lớp, đặc biệt là trẻ mẫu giáo 5 tuổi; có có 33,3% trường Tiểu học, 30,4% trường THCS và 55,6% trường THPT ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn quốc gia.
Học sinh tập thể dục giữa giờ tại trường THPT DTNT Quảng Ngãi |
Tỷ lệ trẻ mầm non DTTS ra lớp năm 2020 đạt 58%, tăng 6,73% so với năm 2015; 100% trẻ học 2 buổi/ngày và tỷ lệ được ăn tại trường tăng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi giảm nhiều so với năm 2015. Hiện nay, cả 05 huyện miền núi được công nhận hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi.
Toàn vùng có 06 trường trung học Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) với 45 lớp học ở các lớp học với 1.400 học sinh (năm học 2020 - 2021); có 28 trường Trung học Phổ thông bán trú với 395 lớp học với 8.692 học sinh.
Vận động, hỗ trợ để học sinh tiếp tục đến lớp
Về công tác dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số: Tất cả các trường tiểu học thông qua việc kiểm tra xếp loại học sinh cuối năm, lập danh sách học sinh chưa biết đọc, chưa biết viết, chưa biết tính toán; xây dựng kế hoạch và giải pháp khắc phục tình trạng trên, bố trí giáo viên phụ đạo cho những học sinh chưa đạt yêu cầu.
Tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm tăng cường kỹ năng giao tiếp bằng Tiếng Việt cho các em và yêu cầu các em học sinh dân tộc thiểu số khi trao đổi, giao tiếp trong lớp, trường đều sử dụng tiếng Việt. Ưu tiên bố trí giáo viên là người dân tộc thiểu số dạy học lớp 1.
Tiếp tục chỉ đạo việc tăng cường vốn tiếng Việt các lớp theo tài liệu tập huấn của dự án PEDC và kết hợp tài liệu của chương trình SEQAP. Tỷ lệ trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ được huy động ra lớp năm sau cao hơn năm trước, trẻ mẫu giáo đạt 90,62%; 100% trẻ em người DTTS được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Tỷ lệ học sinh tiểu học ra lớp đạt 100% và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98%.
Hàng năm, ngành giáo dục ở các huyện miền núi kịp thời kiểm tra, nắm chắc số lượng, nguyên nhân học sinh bỏ học trên địa bàn để có biện pháp khắc phục. Đối với những học sinh nghỉ học do học yếu phải vận động các em ra lớp đồng thời bố trí giáo viên có kinh nghiệm để giảng dạy nhằm giúp các em nắm được kiến thức cũng như theo kịp chương trình.
Đối với những học sinh bỏ học do kinh tế khó khăn, cùng với việc miễn, giảm các khoản đóng góp theo qui định cần huy động sự hỗ trợ về vật chất của giáo viên, học sinh, của xã hội nhằm giúp các em có điều kiện tiếp tục đến trường. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS theo hướng tăng nhanh tỉ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.
Về dạy tiếng dân tộc thiểu số: Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 03 dân tộc thiểu số là Hrê, Co, Ca Dong đều không có chữ viết gốc vì vậy không có bộ sách giáo khoa riêng bằng tiếng dân tộc. Do đó, việc dạy và học theo bộ sách giáo khoa chung cả nước, đảm bảo thực hiện đúng, đủ chương trình giáo dục.
Học sinh các trường PTDTNT, PTDTBT được hưởng đầy đủ các chế độ quy định của nhà nước để đảm bảo các điều kiện học tập và sinh hoạt: Học sinh ở các huyện miền núi từ bậc học Mầm non đến THCS trước ngày khai giảng năm học mới được nhà trường cấp giấy, vở và được mượn bộ sách giáo khoa miễn phí để học tập; việc thực hiện chế độ hỗ trợ tiền, gạo cho học sinh bán trú kịp thời tạo sự ổn định, yên tâm cho học sinh và phụ huynh học sinh.
Tất cả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đều được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đảm bảo quy định và hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng nhìn nhận, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực vùng DTTS và miền núi.
Chẳng hạn, số trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục đạt tỷ lệ còn thấp; việc thành lập trường PTDTBT chưa đạt kế hoạch, cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường PTDTBT còn thiếu phòng ở bán trú, bếp ăn, phòng ăn, công trình vệ sinh, dụng cụ thể dục - thể thao, tủ thuốc y tế; việc nghiên cứu, xây dựng tài liệu để phục vụ cho việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức chưa được quan tâm đúng mức,...
Vân Anh
Ảnh: Đàm An