Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của ông Bàng Đức - cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 919.
Cuối năm 1967, trước cục diện mới của chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương có những chủ trương chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Quân chủng Phòng không - Không quân triển khai các nhiệm vụ hiệp đồng tác chiến chi viện cho chiến trường Khu 4 và nhiệm vụ bảo vệ tuyến vận tải chiến lược 559.
Một số đơn vị Không quân nhận nhiệm vụ cơ động chiến đấu vào các sân bay thuộc Quân khu 4. Tháng 12/1967, chúng tôi được phổ biến sẽ lên đường vào B-6 (mật danh của một sân bay dã chiến ở phía Tây Nam, tỉnh Quảng Bình), để phục vụ đảm bảo cho các phi đội An-2 hoạt động.
Các đoàn xe ngày đêm vượt Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ảnh: TTXVN |
Bộ phận chúng tôi được mang phiên hiệu “Đoàn kiến trúc” do Trung tá Phan Huyến, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 919 chỉ huy. Chúng tôi không mặc quân phục mà mặc quần áo xanh công nhân, đội nón lá. Mỗi người được phát một cây gậy Trường Sơn ngoài phần khí tài, vũ khí của bộ phận mình.
Khoảng 20h ngày 25/1/1968, chúng tôi được lệnh lên ô tô, xuất phát từ thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (Hà Nội) để lên đường vào Nam chiến đấu. Xe chúng tôi do đồng chí Phượng, người dân tộc Thổ, quê ở Lạng Sơn điều khiển, chỉ huy xe là đồng chí Hòa, trợ lý quân nhu tiểu đoàn hậu cần sân bay Gia Lâm. Trong đoàn còn có các đồng chí Bạch Đào, tham mưu; Trần Liên Khê, dẫn đường và rất nhiều đồng chí khác.
Tình thế hiểm nguy
Đoàn xe rời Hà Nội trong một đêm rét mướt, trời rất xấu nên không có máy bay Mỹ hoạt động. Chúng tôi hành quân bằng ô tô qua đường mòn Hồ Chí Minh, qua Đồng Lộc, khe Dinh, khe Ve, khe Tang để tiến vào Nam.
Chặng đường hành quân vô cùng gian khổ. Mặt đường lầy lội, nát bét, nhầy nhụa, hằn sâu thành hai rãnh vết bánh xe. Đêm tối mịt mùng, ô tô không được sử dụng đèn pha, mà mỗi xe có một phụ lái tay cầm đèn pin đã bịt gần như kín mặt (chỉ trừ một lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay) soi đường để lái xe theo vệt sáng đó mà lái.
Lần mò, dò dẫm từng mét, người ngồi trên xe lắc lư, xô đẩy theo độ xóc, có lúc như muốn nhảy khỏi xe. Cành lá ngụy trang bịt bùng, càng làm cho không khí trong xe thêm căng thẳng. Nguy hiểm nhất là đêm đoàn xe chúng tôi qua khe Tang, màn đêm dày đặc, tiếng máy bay Mỹ gầm rú trên đầu. Xe vẫn bò từng mét một, hai bên đường chúng tôi nhìn thấy những đồng chí thanh niên xung phong đứng làm tiêu để xe chúng tôi bò qua ngầm.
Những chiếc xe công trình xa của chúng tôi (đối không - dẫn đường) lắc lư bò qua ngầm. Đúng lúc đó, pháo sáng địch thả trắng trời, xe chưa kịp qua ngầm thì hỏng máy, tình thế vô cùng hiểm nguy. Lái chính và lái phụ không bỏ xe mà quyết tâm khắc phục. Sau hơn 10 phút, sự cố đã được giải quyết xong, đoàn xe lại tiếp tục lăn bánh. Rất may máy địch không phát hiện được, sau một vài vòng quần thảo đã bỏ đi khu vực khác.
Đêm 30/1/1968, đoàn chúng tôi hành quân tới đỉnh đèo Đá đẽo, lên tới một khoảng trống khá rộng trên đỉnh đèo. Đoàn được lệnh tạm nghỉ, mọi người xuống xe, tản ra xung quanh vung tay chân, vươn vai, uốn éo toàn thân cho đỡ mỏi. Sau đó mọi người tập trung gần xe chỉ huy để nghe phổ biến nhiệm vụ.
Điếu thuốc hút chung và bữa sữa nòng nọc
Trưởng đoàn Phan Huyến nói với chúng tôi: “Các đồng chí có biết giờ khắc này là gì không?”. Mọi người im lặng suy nghĩ.
Ông lại tiếp luôn: “Bây giờ là giao thừa, là lúc chuyển giao giữa năm Mùi và năm Thân, là thời khắc lịch sử. Tại thời điểm này, tại quê hương, gia đình và người thân của chúng ta tấp nập, háo hức chuẩn bị đón chào năm mới. Với chúng ta, tại đây, giữa Trường Sơn hùng vĩ, chúng ta cũng long trọng đón giao thừa trên đỉnh đèo Đá đẽo, trên đường hành quân của chúng ta vào mặt trận, thực là vinh dự, tự hào.
Thay mặt Ban chỉ huy Trung đoàn, tôi chúc các đồng chí mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ. Trước mắt hoàn thành nhiệm vụ hành quân đến địa điểm an toàn, để tiếp tục công tác đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi. Vì hoàn cảnh chiến trường, xe quân lương chưa đến kịp nên việc đón giao thừa còn chưa đảm bảo, mong các đồng chí hiểu và thông cảm”.
Đồng chí nói: “Tôi hiện còn một bao thuốc lá Điện Biên đang hút dở, gửi tặng các đồng chí chia hút để đón xuân”.
Trong đêm mùa đông giá rét, chúng tôi cầm điếu thuốc của đồng chí đoàn trưởng vừa tặng, chia nhau cùng hút, vừa lặng lẽ nhả khói, vừa cảm nhận một tình cảm nồng nàn, ấm áp đang dâng trào.
Điếu thuốc quá đơn sơ, giản dị nhưng tại thời khắc thiêng liêng ấy, nó chan chứa một tình yêu thương, gắn bó mãnh liệt. Chúng tôi xúc động không nói nên lời.
Sau đó, đồng chí Hòa phát cho chúng tôi mỗi người một gói sữa bột, có người phát hiện hố bom gần đó có nước, thế là mọi người ào xuống lấy nước để pha sữa. Đêm khuya không đèn đóm gì, mọi người cứ đổ nước vào bát B52 để pha sữa, khi pha quấy mãi mà thấy sữa cứ vón cục, mọi người cho rằng tại nước nguội nên sữa không tan, cho nên, dù sữa vón, không tan vẫn cứ uống.
Có người thấy lạ, tại sao ai pha cũng vón, bèn bật đèn pin lên soi, té ra không phải tại sữa mà những cục vón ấy là con nòng nọc. Vậy ra là nước trong hố bom chứa đầy nòng nọc. Thế là mọi người cùng lên cười giòn giã: “Được bữa nòng nọc no nhé!”.
Bao nhiêu năm trôi qua, cứ mỗi lần Tết đến, trong tôi lại bồi hồi, xúc động nhớ mãi lần đón giao thừa năm ấy, giữa Trường Sơn mênh mông, trên đường hành quân ra trận.
Bàng Đức
2021 và những mong ước nhỏ nhoi
Những suy tư, mong ước của dân chúng thường cụ thể và rất đời. Và biết đâu, từ những mong ước nhỏ nhoi đó có thể dẫn đến những thay đổi lớn lao.