Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây, đồng thời đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong cả nước lên 3,98%, tăng đột biến và vượt xa con số 2% như thường lệ.

Để hỗ trợ việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố, trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã triển khai các hoạt động kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm; thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động theo nhiều hình thức.

{keywords}
Tư vấn việc làm tại một sàn giao dịch việc làm của Hà Nội

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, gần đây nhất, trung tâm đã tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến hỗ trợ cho khoảng 80 doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với hơn 8.600 vị trí việc làm.

Qua khảo sát, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng, đại học có số lượng nhiều nhất, chiếm 39% chỉ tiêu; trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật là 30% và lao động phổ thông chiếm 31%.

Các vị trí việc làm đa dạng ngành nghề như xây dựng, giao thông, quản lý sản xuất, kỹ thuật sản xuất, kế toán, công nhân sản xuất, lái xe,... Mức lương cho người lao động dao động từ 5 - 20 triệu đồng/tháng.

{keywords}

Khi nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, đây là thời cơ để người lao động “đón sóng”, tìm kiếm cơ hội việc làm (Ảnh minh họa)

Cũng theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong quý IV năm 2021, thị trường lao động đang xuất hiện nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực khi hầu hết các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

“Với dấu hiệu khả quan về tốc độ tiêm chủng, tình hình kiểm soát dịch bệnh và kế hoạch nới lỏng giãn cách trên địa bàn thành phố, thị trường lao động Hà Nội dự báo sẽ có tốc độ hồi phục nhanh trong thời gian từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, để chuẩn bị dịp lễ Noel và Tết Nguyên đán, dự kiến nhu cầu hàng hoá sẽ trở nên ngày càng cấp bách khiến áp lực khôi phục sản xuất kinh doanh tăng cao”, ông Thành nói.

Kịch bản ứng phó nếu Covid-19 kéo dài

Mặc dù nhận thấy có những nét khởi sắc về thị trường lao động từ nay đến cuối năm, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ông Vũ Quang Thành cũng đưa ra hai kịch bản cụ thể.

Với tình huống kiểm soát được dịch bệnh, khoanh vùng gọn và dập dịch nhanh chóng theo Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, thị trường lao động sẽ có những chuyển biến rất mạnh.

“Thực tế nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây, nhất là sau khi có những chính sách mới trong công tác phòng chống dịch, chúng tôi nhận thấy có những lĩnh vực, ngành nghề sẽ có xu hướng tuyển dụng tăng là thương mại dịch vụ, tập trung vào nhóm ngành bán buôn bán lẻ, kinh doanh, vận tải, giao nhận hàng, và các dịch vụ khác hỗ trợ cho hoạt động thương mại phục vụ dịp lễ Tết.

Bên cạnh đó là các lĩnh vực sản xuất, ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử, thông tin và truyền thông cũng tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng gia tăng trong thời gian tới”, ông Thành cho biết.

Tuy nhiên, ở kịch bản xấu hơn, nếu tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố có dấu hiệu bùng phát mạnh, điều này sẽ gây ra những chiều hướng không tích cực, thị trường lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

“Chúng ta cũng vừa trải qua giai đoạn giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng như các hoạt động khác trên thị trường lao động đều có những sự đình trệ và bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vì vậy, tất cả các doanh nghiệp, người lao động, thậm chí là các Trung tâm dịch vụ việc làm cần chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống để không bị động”, ông Thành nói.

TP.HCM: Cần khoảng 42.000 lao động 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến Tết, các doanh nghiệp ở TP.HCM cần tuyển khoảng 42.000 lao động. Trong đó, chủ yếu là lao động phổ thông để hoàn thành các đơn hàng cuối năm.

Theo đó, khoảng 70% lao động phổ thông liên quan các ngành như giày da, may mặc, cơ điện - điện tử, chế biến, thương mại, dịch vụ. Mức thu nhập bình quân được các doanh nghiệp đưa ra cho các lao động với các ngành này từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.

Dự báo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, trong Quý 4, TP.Hồ Chí Minh cần hơn 43.000 đến hơn 56.000 chỗ làm việc. Lý do là thời điểm cuối năm các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chỉ tiêu đề ra và tuyển dụng nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh dịp Tết nguyên đán.

Thúy Nga

Thúc đẩy đào tạo nghề gắn với thị trường lao động

Thúc đẩy đào tạo nghề gắn với thị trường lao động

Chiều 29/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức hội nghị “Tổng kết hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững năm 2020 – Nhiệm vụ, giải pháp hoạt động năm 2021”.

Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao để bắt kịp xu hướng thế giới

Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao để bắt kịp xu hướng thế giới

Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong bối cảnh thay đổi của công nghệ 4.0, hoạt động đào tạo cũng cần chuyển hướng để bắt kịp với xu hướng thế giới về việc làm và kỹ năng cho lực lượng lao động.