Những kỷ lục buồn
Nửa cuối năm 2022, phim Việt chen chân ra rạp Việt. Ngoài điểm sáng hiếm hoi của Tro tàn rực rỡ - tác phẩm nghệ thuật độc lập, hầu hết những bộ phim Việt ra rạp đều có chất lượng từ trung bình tới kém. Rất nhiều bộ phim thảm họa nối nhau ra rạp không kèn không trống rồi nhận kết cục đã được báo trước khi bị khán giả quay lưng. Hồi tháng 5, bộ phim 578: Phát đạn của kẻ điên rút khỏi rạp sau 10 ngày công chiếu với doanh thu hơn 3 tỷ đồng đã là một thất bại ngoài phòng vé nhưng không ngờ có nhiều bộ phim còn nhận kết cục bi thảm hơn.
Virus cuồng loạn - một bộ phim cẩu thả từ trailer chỉ thu về 157 triệu đồng và trụ rạp được ít ngày vì nội dung tệ hại. Những tưởng đây đã là bộ phim bết bát nhất năm nhưng không ngờ đã có Huyền sử vua Đinh soán ngôi chỉ sau 1 tháng. Tác phẩm thuộc đề tài lịch sử này ra rạp cuối tháng 11 và nhanh chóng bị xóa tên khỏi các rạp chiếu chỉ sau vài ngày vì không có khán giả.
Nội dung kém hấp dẫn, chất lượng bộ phim không khác gì bài tập về nhà của sinh viên trường điện ảnh chỉ thu về hơn 42 triệu đồng (theo thống kê của Box Office Việt Nam tính đến chiều 5/12). Huyền sử vua Đinh nhanh chóng trở thành bộ phim có doanh thu thấp nhất lịch sử phòng vé Việt. Nếu trừ đi chi phí phải trả cho rạp chiếu thì nhà sản xuất cầm về chỉ khoảng 20 triệu đồng - một con số báo động. Tuy nhiên những kỷ lục này cho thấy bức tranh màu xám của điện ảnh Việt khi phim dở lấn át phim tốt.
Những bộ phim thất bại phòng vé do Việt Nam sản xuất ra rạp trong năm cho thấy đề tài rất đa dạng, các nhà làm phim không chỉ làm hài đơn thuần mà đã chuyển qua cả đề tài lịch sử, xác sống hay thảm họa. Tuy nhiên các bộ phim này đều được làm chưa tới, kém hấp dẫn nên đều nhận kết cục chung là không có người xem và thua lỗ nặng.
Hãy dừng ngay đổ lỗi
Điều kỳ lạ là khi trả lời truyền thông về thất bại của phim, nhà sản xuất của Huyền sử vua Đinh khẳng định đã dự liệu được tình hình không khả quan về mặt doanh thu phòng vé của tác phẩm. Đáng ngạc nhiên hơn khi nhà sản xuất không thừa nhận phim không có khán giả là vì chất lượng kém mà đổ lỗi do kinh phí làm phim thấp và không được rạp chiếu tạo điều kiện xếp suất chiếu giờ đẹp.
Đổ lỗi cho truyền thông chưa tốt, đặc biệt là bị hệ thống rạp không tạo điều kiện là hai lý do luôn được các nhà sản xuất đưa ra để bao biện cho thất bại của mình. Trong khi ai cũng hiểu chỉ có duy nhất một lý do khiến một bộ phim thất bại là chất lượng kém. Khán giả giờ đây thông thái hơn và không dễ gì để họ bỏ tiền mua vé và mất thời gian ra rạp xem một bộ phim dở.
Rõ ràng phim dù không được truyền thông mạnh nhưng nếu hay thì sẽ dễ dàng được khán giả truyền tai nhau đi xem. Điều này có thể thấy rõ từ Bố già - bộ phim đạt kỷ lục phòng vé mọi thời đại với doanh thu 400 tỷ đồng. Đương nhiên khi một bộ phim chạm được đến số đông khán giả các hệ thống rạp sẽ tự động tăng suất chiếu, xếp phim vào những khung giờ đẹp nhất để đáp ứng nhu cầu người xem mà không cần nhà sản xuất nhúng tay. Ở chiều ngược lại, phim có quảng bá tốt đến mấy, chiếu giờ đẹp đến mấy mà nội dung tệ hại cũng bị khán giả quay lưng.
Do vậy số phận của mỗi bộ phim không nằm trong tay đạo diễn, nhà sản xuất, chủ các rạp chiếu mà chính là khán giả. Có ý kiến cho rằng nên chặn đầu ra của những bộ phim kém bằng cách loại ngay từ Hội đồng duyệt phim quốc gia. Tuy nhiên, rất khó để không cho những bộ phim thảm họa ra rạp khi chúng không vi phạm bất cứ điều cấm nào quy định trong Luật Điện ảnh.
Lúc này quyền quyết định cuối cùng thuộc về những người bỏ tiền mua vé xem phim. Họ có quyền tẩy chay những bộ phim bất chấp chất lượng và coi thường khán giả. Cũng chính người xem sẽ cho phép khi nào những bộ phim như vậy phải rời rạp chứ không phải là nhà sản xuất hay chủ rạp. Bởi khi một bộ phim không có ai xem dù ưu ái nhà sản xuất đến mấy, chủ rạp cũng tự động cho tác phẩm đó vào kho để nhường chỗ cho những bộ phim ăn khách khác.
Trước sự cạnh tranh dữ dội của những nền tảng trực tuyến có thu phí với những bộ phim chất lượng được đầu tư mạnh phục vụ khán giả tận.... giường bùng nổ suốt 2 năm dịch bệnh vừa qua, phim chiếu rạp ngày càng khó khăn hơn để thu tiền của người xem. Chỉ có những bộ phim hay thực sự mới đủ sức kéo khán giả ra khỏi nhà và trụ rạp được lâu. Do vậy đã đến lúc ngưng đổ lỗi và tập trung làm những tác phẩm có chất lượng.