Sức ép lịch sử
Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump vừa hé lộ những toan tính lịch sử: hất cẳng doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ. Đây là một động thái chưa từng có và đảo chiều hoàn toàn so với các chính sách của chính quyền tổng thống Obama trước đó.
Động thái nói trên được cho là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm hạn chế những khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc vì những mối lo ngại về an ninh.
Cho dù thông tin chưa được xác nhận và sau đó Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết hiện tại Mỹ chưa có kế hoạch này nhưng thị trường tài chính thế giới vẫn chứng kiến một cú sốc mạnh. Chứng khoán Mỹ giảm khá sâu trong khi các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên sàn New York và Hong Kong giảm 3,8% chỉ trong 1 phiên.
Cổ phiếu Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh. |
Cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba giảm hơn 5,1% trong phiên cuối tuần, ông lớn công nghệ JD giảm gần 6%, trong khi cổ phiếu công ty tìm kiếm dữ liệu Baidu Inc giảm gần 3,7%...
Cú sốc diễn ra ở vào một thời điểm khá nhạy cảm khoảng 2 tuần trước cuộc tái đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 13.
Nỗi lo sợ của các thị trường tài chính được xem là có cơ sở bởi mối quan hệ Mỹ-Trung đang xấu hơn bao giờ hết. Sự căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế thế giới vốn đang èo uột trở nên u ám hơn.
Kể từ khi nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn xóa bỏ các ưu đãi dành cho Bắc Kinh trước đó để lấy lại sự cân bằng trong các quan hệ kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên là một đối thủ số 1 của Mỹ ở nhiều lĩnh vực và mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới.
Tại Mỹ, cho dù bất đồng là rất lớn, nhưng cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều có lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Hồi tháng 6, các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã thống nhất đề xuất một dự luật để buộc các công ty Trung Quốc niêm yết trên TTCK Mỹ phải tuân thủ sự giám sát của cơ quan quản lý, trong đó đề cập đến việc buộc các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ phải bị kiểm toán không thì sẽ phải rời sàn. Các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ luật pháp và quy định của Mỹ về minh bạch tài chính và trách nhiệm giải trình.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc không đồng ý việc cơ quan quản lý nước ngoài soi tường tận vào các doanh nghiệp nước này, kể cả các công ty kiểm toán thuộc Big Four hãng kiểm toán lớn trên thế giới: PwC, E&Y, KPMG, Deloitte.
Nhiều đánh giá cho rằng, kế hoạch hất cẳng các doanh nghiệp của Trung Quốc nói trên là động thái gây sốc mà Washington gây sức ép lên Bắc Kinh trước cuộc đàm phán thương mại lịch sử. Tuy nhiên, nó cũng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực bởi sự không minh bạch trên TTCK là điều cấm kỵ bởi có thể gây rủi ro cho các nhà đầu tư Mỹ.
Căng thẳng Mỹ-Trung vẫn ở mức cao. |
Bắc Kinh đưa ra lời đe dọa
Thông tin về khả năng chính quyền ông Trump hất cẳng doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc chắc hẳn khiến phía Trung Quốc lo ngại. Tuy nhiên, các học giả nước này cũng đưa ra những lời cảnh báo đối với Washington.
Trên CNBC, Ning Zhu, giáo sư tài chính tại đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh cho biết rằng việc hạn chế đầu tư như vậy sẽ khó có thể thực hiện được và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường vốn của Hoa Kỳ.
Vị giáo sư này cho biết, những hạn chế như hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc trên sàn New York có thể mang đến một thông điệp rằng “Mỹ không còn mở cửa như trước. Và nó sẽ có tác động sâu rộng”. “Tài chính không giống như quân sự, không giống như các đơn hàng xuất khẩu hay thương mại. Tài chính rất khó để đoán định.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) của Trung Quốc đã chọn niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ như một cách thức để nâng cao nhận diện thương hiệu cũng như tiếp cận nguồn vốn đồng USD.
TTCK Mỹ đã giúp nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phát triển bùng nổ như Alibaba giúp Jack Ma trở thành biểu tượng thành công của Trung Quốc với khối tài sản lên tới gần 39 tỷ USD và là người giàu thứ 2 châu Á, chỉ sau tỷ phú Mukesh Ambani của Ấn Độ.
Jack Ma gây dựng lên một Alibaba khổng lồ nhưng TTCK giúp thế giới biết đến tập đoàn này và giúp Jack Ma phát triển Alibaba thành đế chế thương mại điện tử lớn nhất châu Á và thành công ngoạn mục chưa từng thấy trên thế giới.
Sau cuộc chiến thương mại, có thể sẽ còn nhiều cuộc chiến khác. |
Theo một báo cáo gần đây cả công ty Gavekal Dragonomics, hơn 200 doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có Alibaba đã huy động hàng chục tỷ USD trên thị trường vốn Mỹ.
Với nhiều người, nếu chính quyền ông Donald Trump quyết định hất cẳng doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc khỏi TTCK Mỹ hay hạn chế các khoản đầu tư của quỹ hưu trí chính phủ vào thị trường Trung Quốc thì chắc chắn đây là một cú sốc lớn và căng thẳng Mỹ-Trung vốn đã lên cao lịch sử sẽ leo thang lên một đỉnh mới.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc không tin rằng Mỹ có thể làm một điều như vậy. Các hạn chế được đề cập tới có thể chỉ là một nỗ lực của Nhà Trắng để có lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới với Trung Quốc.
Trên CNBC, Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Guanghua tại Đại học Bắc Kinh cho biết, có thể có nhiều lý do chính trị khác nhau để hạn chế dòng vốn của Mỹ vào Trung Quốc, song, Washington nên hiểu rằng, những tác động gây nên sự mất cân bằng thương mại sẽ mang lại kết quả đi ngược lại những gì họ mong muốn.
Ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng, khả năng này vẫn có thể xảy ra. Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin cho biết, kế hoạch trên được tổng thống Mỹ Donald Trump bật đèn xanh.
Trong hơn gần 3 năm cầm quyền, nhiều quyết định của ông Trump bất ngờ và quyết liệt. Ông Trump cũng là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo Mỹ cũng như thế giới trước nay chỉ trích Trung Quốc về nhiều vấn đề, từ ăn cắp công nghệ, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, thao túng tiền tệ, cho tới các vấn đề về xã hội, nhân quyền, thể chế…
Cùng với sự ủng hộ của 2 đảng tại Mỹ về chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ cắt đứt nguồn vốn Mỹ đối với Trung Quốc, phân mảnh thị trường tài chính quốc tế. Sau chiến tranh thương mại, một cuộc chiến công nghệ, tiền tệ đã bắt đầu hình thành và giờ đây rất có thể một cuộc chiến trên thị trường vốn. Các thị trường thế giới có thể bị phân mảnh trong tương lai và là điều đáng lo ngại với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, không ít người cần một sự ổn định lâu dài, một trật tự thế giới ổn định hơn, công bằng hơn và bền vững hơn trong tương lai.
M. Hà