Phát triển dịch vụ logistics
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thông tin, thành phố ủng hộ Tập đoàn Sovico phát triển logistics hàng không và Vietjet tăng cường các chuyến bay tại thành phố Cần Thơ để “chia lửa” với sân bay Tân Sơn Nhất.
Thành phố đã có quy hoạch và dành đất để phát triển nhà ga hàng hóa, phát triển dịch vụ logistics hàng không cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong vùng giảm thời gian, chi phí đưa hàng hóa về Tp. Hồ Chí Minh như trước đây.
Tháo "điểm nghẽn" giao thông để ĐBSCL phát triển bền vững. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, việc xây dựng một cảng nước sâu tại khu vực vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đang là nhu cầu cấp thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp.
Theo thống kê từ các doanh nghiệp thủy sản, hàng tháng, trung bình mỗi doanh nghiệp sẽ có từ 50 - 100 container hàng xuất khẩu (chưa tính các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, trái cây, và các mặt hàng khác) và việc đầu tư xây dựng cảng nước sâu tại vực Đồng bằng Sông Cửu Long có thể giảm bớt 40 - 50% chi phí so với việc vận chuyển hàng đến Cảng Tp. Hồ Chí Minh hay Vũng Tàu.
Việc xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực vực Đồng bằng Sông Cửu Long không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, mà có tạo điều kiện lưu thông tốt, kết nối khu vực với Tp. Hồ Chí Minh, sẽ tạo điều thuận lợi và thu hút thêm các nguồn vốn FDI cho các tỉnh vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tổng nhu cầu vốn ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 khoảng 198.823 tỷ đồng, tuy nhiên nhu cầu này gần như vượt quá khả năng cân đối. Trong điều kiện nguồn lực khó khăn như hiện nay, Bộ đã đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án động lực vùng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong vùng, tại khu vục này đã hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (nối Cao Lãnh – Rạch Sỏi) để hình thành một trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ cũng dành gần 5.000 tỷ đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Dự kiến đến hết năm 2021 đưa vào khai thác đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận còn cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành năm 2023. Riêng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ xong trong năm 2022. Như vậy, tuyến cao tốc từ Tp. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ sẽ là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, còn có một số dự án như xây dựng cao tốc nối thành phố Cà Mau – Cần Thơ và cao tốc nối Châu Đốc – Long Xuyên – Cần Thơ và Sóc Trăng để kết nối với cảng Trần Đề, đang trong giai đoạn xin chủ trương đầu tư và cố gắng đến năm 2025 khởi công hoàn thành giai đoạn 1 của dự án.
Sắp xếp thứ tự ưu tiên để lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách
Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai xây dựng quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện đang hoàn thiện để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước trong quý II/2021.
Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên để lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách tập trung nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.
Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên để lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách tập trung nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.
Nhìn nhận về Chiến lược phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ trong giai đoạn tới là sử dụng hệ thống cao tốc, ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, cần làm chặt chẽ, quyết tâm để đến năm 2025 xử lý xong tuyến trục dọc và đến năm 2030, cao tốc phải về đến Cà Mau.
Đối với các tuyến trục ngang thì lập quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư. Còn hành lang phía Đông đến năm 2025 phải xong cầu Đại Ngãi mới giúp kết nối Trà Vinh – Sóc Trăng về Bạc Liêu.
Có thể nói, về quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không kết nối các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Tp. Hồ Chí Minh và ra quốc tế đã được định hình.
Vấn đề còn lại là làm thế nào để huy động được tối đa mọi nguồn lực và phân bổ hợp lý trong đầu tư các công trình quan trọng, có khả năng lan tỏa kết nối vùng và liên vùng để tháo gỡ các điểm nghẽn về vận chuyển, cắt giảm thời gian, chi phí logistics trong cấu thành giá sản phẩm.
Khi hệ thống hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics được nâng cấp và hoàn chỉnh sẽ tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng nông sản, thủy sản, tạo nên giá trị bền vững để nông sản thủy sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Thúy Hạnh