Hang Táu - tiếng Mông là lòng chảo - thuộc bản Tà Số 1 (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) có khoảng 20 hộ dân người dân tộc Mông sinh sống. Khách du lịch khi lên thị trấn Mộc Châu có thể di chuyển thêm 15km để đến địa điểm này.
Hang Táu nổi tiếng với thung lũng bãi cỏ xanh, những căn nhà gỗ của người Mông thành cụm biệt lập, được bao bọc bởi núi rừng. Người dân ở bản Tà Số 1 chăn nuôi gia súc, gia cầm, đường di chuyển về bản xa nên họ dựng nhà và ở lại Hang Táu, chỉ khi có công việc mới trở về bản. Cuộc sống ở "làng nguyên thủy" không điện, không sóng điện thoại, không internet, nước đưa từ khe núi về.
Trước đây, đời sống khó khăn nên nhiều người chuyển đi nơi khác. Khoảng 4 năm nay, Hang Táu được đưa vào khai thác phát triển du lịch. Du khách tới Hang Táu được tham gia trồng trọt, chăn nuôi, lấy măng, làm bánh dày, học thêu của đồng bào, tham gia các trò chơi dân tộc Mông như đánh tu lu, ném pao...
Tăng thu nhập, cải thiện đời sống
Chị Sồng Thị Say người dân tộc Mông ở bản Tà Số 1 từng bỏ bản về dưới xuôi làm công nhân. Khi bản làng trở thành điểm du lịch, vợ chồng chị đã quay về học làm du lịch cộng đồng. Chị mua ngựa cho khách thuê, làm dệt thổ cẩm, tổ chức cắm trại, nấu ăn phục vụ du khách.
Anh Mùa A Gáng, người dân bản Tà Số (gồm bản Tà số 1 và bản Tà Số 2) cho biết, trước đây người dân ở đây chỉ chăn nuôi, trồng ngô, trồng khoai, sắn tự cung tự cấp. Ba năm nay, du khách đến với Hang Táu, thung lũng này trở nên nhộn nhịp. Các hộ gia đình chia sẻ công việc phục vụ khách tham qua như làm bánh, dệt thổ cẩm, bán hàng lưu niệm. Nam giới ở bản còn làm xe ôm chở du khách từ bãi gửi xe vào thung lũng khoảng 3km. Từ đó họ có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Hiện nay bà con Tà Số đã biết bảo tồn giá trị văn hóa của Hang Táu để phát triển thành điểm du lịch cộng đồng bền vững và vẫn giữ trọn vẹn nét nguyên sơ. Các quy định về xây dựng du lịch cộng đồng được ghi vào hương ước của bản.
Tháng 8/2023, xã Chiềng Hắc thành lập hợp tác xã du lịch Hang Táu với 20 hộ thành viên. Các thành viên phục vụ đưa đón khách tham quan, trải nghiệm, liên kết với các hộ làm homestay trong bản Tà Số phục vụ ăn, nghỉ khi du khách có nhu cầu.
Bản được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, sân khấu và sân vận động, giúp bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch tốt hơn, nâng cao thu nhập cho nhân dân từ du lịch. Ngoài ra, bà con còn được tập huấn kỹ năng giao tiếp, đón tiếp, hướng dẫn khách du lịch tham quan...
Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu đã tham mưu UBND huyện có những quy chế để quản lý, tập huấn kỹ năng, đồng thời, tuyên truyền cho người dân hiểu được việc giữ gìn nét văn hóa và tự nhiên ở nơi đây. Thời gian tới, cộng đồng đồng bào Mông ở Tà Số sẽ được tập huấn nhiều kỹ năng làm du lịch cộng đồng bền vững gắn với bảo tồn nét hoang sơ của Hang Táu.
Năm 2022 -2023, huyện Mộc Châu đã hỗ trợ hoạt động và xây dựng các đội văn nghệ truyền thống dân tộc tại bản Tà Số. Các đội văn nghệ này được hỗ trợ trang thiết bị, tổ chức tập luyện và thường xuyên tham gia biểu diễn các chương trình văn nghệ dân ca, điệu múa dân gian, tấu nhạc cụ dân tộc phục vụ khách du lịch.
Từ nguồn vốn Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” huyện đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng bản du lịch cho bản Tà số 1; hỗ trợ hơn 200 triệu đồng mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ; thuê hoặc mua sắm thiết bị âm thanh, ánh sáng đáp ứng tối thiểu nhu cầu tập luyện, biểu diễn cho các đội văn nghệ truyền thống tại các bản Áng, xã Đông Sang; Tà Số 1, 2, xã Chiềng Hắc; bản Vặt, bản Lùn, Là Ngà, xã Mường Sang.