Đóng cửa điểm du lịch, khách tiếc nuối

Chị Hoàng Thu ở Long Biên (Hà Nội) đưa các con đi du lịch Phú Yên, tranh thủ tụi trẻ được nghỉ học một tuần và để phòng tránh dịch cúm corona. Thế nhưng, chiều 5/2, khi đi tham quan Khu di tích bến tàu không số Vũng Rô và mũi Điện, tất cả đã đóng cửa dừng đón khách.

Anh Hiền, một lái xe taxi thường xuyên chở khách du lịch ở Phú Yên, cho hay, khách đến đây chủ yếu là khách Nga và Đông Âu, hầu như không có khách Trung Quốc. Mùa này cũng không phải là cao điểm khách đông quá mà phải đóng cửa phòng dịch.

“Tôi chọn vùng biển nắng ấm không có khách Trung Quốc để tránh dịch, vậy mà tới các điểm thắng cảnh lại không được vào, tiếc quá”, chị Thu than thở.

{keywords}
Biển thông báo dừng đón khách tại mũi Điện Phú Yên chiều 5/2

Không chỉ Phú Yên, tại Nha Trang nhiều điểm di tích, danh lam thắng cảnh cũng dừng đón khách. Còn ở Đà Nẵng, nhà thờ chính toà Đà Nẵng cũng đóng cửa. Tại Ninh Bình, chùa Bái Đính ngưng đón khách từ mấy hôm nay.

Còn giữa Hà Nội, theo chỉ đạo UBND TP, các điểm tham quan và di tích thắng cảnh như Hoả Lò, Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, Hoàng Thành Thăng Long, Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc,… trên địa bàn đóng cửa từ ngày 4/2. Phố đi bộ Hoàn Kiếm tạm dừng hoạt động cuối tuần từ 7-9/2.

Côn Đảo cũng thông báo dừng đón khách tại Bảo tàng và Di tích Nhà tù Côn Đảo từ 7h ngày 5/2. Khu Du lịch Đại Nam Bình Dương ra thông báo ngưng hoạt động từ 4-19/2. Duy chỉ tại TP.HCM, các điểm di tích, tham quan đều mở cửa.

Như vậy, thực hiện chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL tại Công điện khẩn 396 ngày 3/2 yêu cầu tạm dừng các hoạt động tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, một số địa phương lập tức đóng cửa các điểm du lịch, mặc dù việc này sẽ do Chủ tịch UBND các địa phương cân nhắc quyết định.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc HanoiRedtour, cho hay, rất nhiều khách quốc tế ngỡ ngàng khi đến các điểm di tích trong ngày 4 -5/2 nhưng bị đóng cửa. Đồng ý là cần hạn chế tụ tập đông người và tổ chức lễ hội, không đón khách từ thị trường Trung Quốc và vùng có dịch, song theo ông Hoan, Việt Nam không cấm các đoàn khách đến từ thị trường khác. Khách lẻ, khách đoàn hoàn toàn có thể tham quan bình thường nếu tuân thủ tốt các quy định về phòng bệnh.

“Các doanh nghiệp du lịch đang chung tay với cả nước chủ động phòng chống dịch, nhưng việc đóng cửa các di tích và danh thắng là cực đoan”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, nhận xét. Tại Thái Lan, số người nhiễm bệnh cao hơn nhưng các hoạt động đón khách du lịch vẫn diễn ra bình thường.

Đồng loạt kiến nghị mở cửa di tích, điểm tham quan

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh là tài nguyên du lịch quan trọng nhất, là điểm thu hút cả khách du lịch quốc tế và nội địa. Dịch bệnh chủ yếu tác động đến khách inbound từ Trung Quốc, các thị trường khác, Việt Nam vẫn đón khách tuy số lượng giảm. Khách du lịch nội địa vẫn đi du lịch tại các địa phương chưa công bố dịch. Do vậy, quy định như trên chẳng khác nào với việc dừng hoạt động của ngành du lịch. Các DN du lịch tại các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Nam Định, Lâm Đồng,... đang rất hoang mang.

{keywords}
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh corona

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Công Hoan cũng cho rằng, việc đóng tất cả các điểm tham quan đồng nghĩa với việc dừng toàn bộ hoạt động du lịch bởi khách không biết đi đâu làm gì. Trong khi đó, ngành du lịch vẫn đang đón khách, bán tour, thì việc đóng cửa các điểm tham quan tác động rất lớn.

Hơn nữa, không phải tất cả các điểm tham quan đều đông khách, nên để quản lý tốt thì các điểm đến cần cân đối lượng khách, tránh tập trung quá đông dẫn tới quá tải mà nên giãn ra, không bắt buộc phải đóng cửa.

Do đó, 20 hiệp hội du lịch tại các địa phương đồng loạt kiến nghị gửi cơ quan chức năng xem xét lại quy định đóng cửa các di tích, danh thắng. Hiệp hội Du lịch cũng có văn bản chính thức kiến nghị Bộ VH-TT&DL điều chỉnh Công điện 396 ngày 3/2 theo hướng chỉ tạm dừng việc tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao có tập trung đông người tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

Trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/2 cũng cho rằng không cần hạn chế du lịch hoặc thương mại quốc tế một cách "không cần thiết" để ngăn viêm phổi. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng không đồng ý đóng cửa tất cả di tích, danh lam.

"Di dích, danh lam thắng cảnh không phải lễ hội vẫn hoạt động bình thường"- Thủ tướng nói.

Trước chỉ đạo này, Hà Nội đã mở cửa khu di tích Hỏa Lò và sáng 6/2 Văn Miếu Quốc tử giám sẽ tiếp tục đón khách du lịch vào tham quan.

Cùng với kiến nghị sớm mở lại cửa các điểm di tích, danh thắng, các doanh nghiệp du lịch cũng kiến nghị đối tác hàng không có những chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ hủy, hoàn vé hoặc lùi thời hạn khởi hành. Đồng thời, các bộ ngành hỗ trợ miễn giảm thuế VAT, giãn nợ ngân hàng,... để các DN vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Ngọc Hà