Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn - cho biết, đêm 21/10, chợ đã được mở hoạt động trở lại sau gần 4 tháng tạm đóng. Trong đêm đầu tiên mở lại, có khoảng 400 tấn nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành đưa về. Chiếm số lượng lớn là trái cây, rau củ quả Đà Lạt.

Theo Giám đốc Chợ Hóc Môn, có khoảng 90 tiểu thương tham gia kinh doanh buôn bán tại chợ trong đêm đầu tiên và đều là những người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động chợ phải tuân thủ theo bộ tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống dịch đã được ban hành.

{keywords}
Xe nông sản về chợ đầu mối Hóc Môn đêm 21/10 
{keywords}
Sạp hàng thịt lợn trong chợ Hóc Môn 

Liên quan về cung ứng hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Lê Huỳnh Minh Tú - thông tin, tổng lượng hàng được đưa về TP ngày 21/10 ước đạt 5.900 tấn ngày/đêm, tăng 2% so với ngày trước đó. Hiện nay, lượng hàng cung ứng về các điểm tập kết, trung chuyển ở 3 chợ đầu mối tăng mỗi ngày. Trước ngày 1/10, mỗi ngày có trên dưới 1.000 tấn thì hiện nay con số là khoảng 1.800 tấn.

Đối với hoạt động của chợ truyền thống, đại diện Sở Công Thương cho hay, tính đến 10h ngày 21/10, trên địa bàn TP có 96/234 chợ truyền thống hiện đang hoạt động; 138/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động. Số chợ hoạt động trở lại trong ngày 20, 21/10 là 16 chợ. Dự kiến, từ ngày 22-25/10, các quận, huyện sẽ tổ chức hoạt động trở lại thêm 19 chợ. Các địa phương chưa mở chợ là quận 7, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. 

“Trong điều kiện các địa bàn chưa mở lại chợ truyền thống thì tuyệt đối không để các chợ, khu vực bán hàng tự phát xung quanh chợ hoặc các nơi không được phép vì sẽ ảnh hưởng đến an toàn phòng, chống dịch”, ông Minh Tú nhấn mạnh tại buổi họp báo chiều 21/10.

Cũng về trình trạng trên, theo ghi nhận của phóng viên, ngay cả xung quanh địa bàn một số chợ đã được mở như chợ Bình Thới (quận 11) và chợ đầu mối Hóc Môn vẫn có hiện tượng các sạp cóc, sạp bán hàng tự phát mọc lên nhiều do tâm lý ngại vào chợ, phải kiểm tra các thông tin y tế của người dân.

Đại diện một chợ chia sẻ, chính quyền địa phương có thể tiến hành xử phạt thật nặng mang tính răn đe vì quá nhiều lỗi vi phạm đối với các chợ tạm kiểu này: không đảm bảo an toàn phòng chống dịch; buôn bán lấn chiếm lòng lề đường; không đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực,... “Các địa phương phải làm quyết liệt thì người mua hàng mới vào chợ chính thống, chợ mở lại mới hoạt động ổn được”, đại diện chợ này nói.

Trần Chung

Chợ đầu mối nổi tiếng nhất Hà Nội mở lại sau hai tháng đóng cửa

Chợ đầu mối nổi tiếng nhất Hà Nội mở lại sau hai tháng đóng cửa

Kể từ 0h ngày 21/10, gần 500 tiểu thương ngành hàng rau củ quả, thuỷ hải sản được phép kinh doanh trở lại sau hơn 2 tháng chợ Long Biên đóng cửa phòng chống dịch Covid-19.