Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, đến nay, cả nước đã có 61/63 tỉnh đã phê duyệt, triển khai đề án/kế hoạch thực hiện (còn 2 tỉnh là Kiên Giang và Tây Ninh chưa phê duyệt) triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trong đó, đã có 28 tỉnh/thành tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 1.336 sản phẩm OCOP (đạt 55,6% so với kế hoạch là 2.400 sản phẩm) của 836 chủ thể tham gia chương trình OCOP, trong đó có 19 sản phẩm đề xuất 5 sao, 405 sản phẩm đạt 4 sao và 912 sản phẩm đạt 3 sao.
Đóng góp tích cực của OCOP trong xây dựng NTM |
Chương trình xây dựng sản phẩm OCOP đã thể hiện được sức sống và phù hợp với đặc điểm các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nhất là gắn với xây dựng HTX, các doanh nghiệp ở nông thôn...
Mặc dù phong trào tham gia xây dựng và số lượng các sản phẩm OCOP thời gian đã được công nhận tương đối lớn, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, chất lượng sản phẩm OCOP là khâu mà thời gian tới, cần phải chú trọng cải thiện. Theo đó, cần hoàn thiện và rà soát kỹ về điều kiện, thủ tục đánh giá, phân loại, công nhận sản phẩm OCOP trong thời tới.
Bên cạnh đó, thời gian tới, cần phải có đánh giá kỹ hơn nữa việc triển khai chương trình xây dựng sản phẩm OCOP ở các địa phương. Đặc biệt với các tỉnh làm tốt thì cần có hội nghị cấp vùng đặc thù để rút ra bài học kinh nghiệm, điển hình như Bắc Kạn rất khó khăn nhưng lại làm tốt về OCOP, hoặc tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng rất điển hình về làm sản phẩm OCOP.
Song song đó, cần đẩy mạnh khâu truyền thông để lan tỏa sâu rộng hơn nữa chương trình này, bởi có rất nhiều mô hình hay, nhưng truyền thông còn yếu...
Đối với các tỉnh chưa xây dựng đề án OCOP, chưa tổ chức xét duyệt sản phẩm OCOP, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bởi đây là những chỉ tiêu rất cơ bản trong quá trình xây dựng nông thôn mới .
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo thời gian tới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và các đơn vị tập trung phối hợp với các Bộ ngành và cơ quan liên quan xây dựng khung khổ pháp lý và dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025…
Đồng thời, khẩn trương xây dựng, hoàn thiên các bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ở cả các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) và cấp độ (cấp xã, huyện, tỉnh), cố gắng hoàn thành trong tháng 3/2020 nhằm có sơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.
Đồng thời, sớm xin ý kiến tổng hợp của các địa phương, các Bộ ngành đề báo cáo về chủ trương đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, xin ý kiến thống nhất của các Bộ ngành và trình Chính phủ xem xét, Quốc hội phê duyệt.
Hữu Duyên
Ảnh: Anh Dũng