Các cấp hội phụ nữ ở Bến Tre đang ngày càng cho thấy vai trò đặc biệt trên tiến trình đồng hành với hội viên nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, tỉnh Bến Tre tranh thủ nguồn lực huy động từ ngân sách Nhà nước, sự ủng hộ, chung tay của cộng đồng. Đặc biệt, tỉnh phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, trong đó, các cấp hội phụ nữ đang ngày càng cho thấy vai trò đặc biệt trên tiến trình đồng hành với hội viên nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống.
Đa dạng hoá phương thức hỗ trợ sinh kế
Tại huyện Bình Đại, theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, đầu năm 2024, toàn huyện có 1.129 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,61%; 1.253 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,89%. Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ thường xuyên luôn được các cấp hội phụ nữ cơ sở đặc biệt quan tâm.
Trong năm 2024, hội quản lý 474 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 41,9% và 480 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 38,3%. Bằng nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tặng quà, cho mượn cây, con giống, các cấp hội đã mở thêm cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các mô hình sinh kế, thoát nghèo bền vững.
Trong năm, 1.625 chị em phụ nữ được giới thiệu đi làm việc tại khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Để chăm lo việc làm cho hội viên, các cấp hội duy trì 20 tổ nghề nghiệp và 33 tổ tương trợ với các ngành nghề như tách hạt điều, đan giỏ, bó chổi, may túi xách, may gia công... Điều này giúp phụ nữ tận dụng thời gian nhàn rỗi tăng thu nhập.
9 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức khai giảng, đồng thời ra mắt 5 câu lạc bộ “Phụ nữ khởi nghiệp”, có 64 thành viên tham gia với các sản phẩm khởi nghiệp đạt chuẩn OCOP. Điều này góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Để giúp xoay vòng vốn cho hội viên, huyện hội duy trì 16 tổ tiết kiệm từ rác thải nhựa với 361 thành viên tham gia và tiết kiệm hơn 10 triệu đồng. Tổng cộng có 22 hội viên phụ nữ khó khăn được hỗ trợ để mua bán nhỏ, tạo sinh kế. 7 tổ “Tiết kiệm giúp nhau mua điện thoại thông minh” được duy trì với 32 thành viên tham gia, mua tặng 24 điện thoại thông minh cho chị em phụ nữ khó khăn. Đây là hoạt động giúp tạo điều kiện để chị em phụ nữ tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số…
Thực hiện mô hình dân vận khéo “Mỗi tổ hội giúp 1 phụ nữ nghèo, khó khăn có địa chỉ nhằm nâng cao vai trò của tổ chức hội trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững” gắn với xây dựng mô hình “1+1” tại các chi hội, các cấp hội phụ nữ ở Bình Đại đã vận động gần 2.400 nữ hội viên có cuộc sống khá giả giúp đỡ 2.172 hội viên nghèo khó khăn, tổng số tiền 2 tỷ đồng.
Nhờ những hoạt động hỗ trợ hiệu quả, kết quả, cuối năm 2024, có 68 hộ có thành viên hội phụ nữ ở huyện Bình Đại đã thoát nghèo.
“Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với người nghèo
Tại huyện Ba Tri, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Bến Tre, 50% số hộ nghèo tại địa phương này do phụ nữ làm chủ. Để có hình thức hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo tham gia các đề án, dự án đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững, huyện hội và các chi hội chú trọng công tác nắm bắt địa bàn và rà soát thông tin. Theo đó, trong 1.565 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có 1.095 hộ có khả năng thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 70%.
Kế hoạch hỗ trợ được các cấp hội phụ nữ "cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” các hộ nghèo trên cơ sở khảo sát nhu cầu và điều kiện từng hộ. Hội LHPN huyện đã phân kỳ, chia theo lộ trình cụ thể và đã chọn 125 hộ hội viên nghèo đủ điều kiện tham gia vào các dự án sinh kế.
Trong quá trình xây dựng các mô hình sinh kế, các cán bộ phụ nữ được phân công, hỗ trợ giúp đỡ từng hộ hội viên nghèo. Để khuyến khích tinh thần vươn lên của hộ nghèo, hình thức giúp đỡ của hội là 100% hộ được cho mượn tiền mặt, con giống, hỗ trợ ngày công…
Dự kiến cuối năm 2024, 135 hộ hội viên nghèo do phụ nữ làm chủ ở Ba Tri sẽ thoát nghèo, tỷ lệ 12% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ.
Các biện pháp hỗ trợ hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo tại Bến Tre được triển khai cụ thể, như cung cấp nguồn vốn ưu đãi, tổ chức đào tạo khởi nghiệp, giúp chị em phụ nữ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm chủ kinh tế.
Theo báo cáo từ Hội LHPN tỉnh Bến Tre, năm 2024, các cấp hội hỗ trợ hơn 530 tỷ đồng vốn vay, giúp phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho hơn 80.000 phụ nữ; giúp 1.099/250 hộ phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo, đạt tỷ lệ 439,6%. Gần 1.700 nữ chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh được hỗ trợ nâng cao năng lực, đạt 659,2% chỉ tiêu đăng ký.
Đây là động lực, đòn bẩy giúp chị em yên tâm khởi nghiệp, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.